Phấn đấu đạt hơn 1 triệu tấn tôm, giữ vững kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD
Ngày 3/3/2023 tại Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị “Phát triển ngành tôm năm 2023, nhìn lại kết quả ngành tôm năm 2022 và thảo luận nhằm tìm giải pháp để phát triển ngành tôm nước lợ năm 2023”.
XUẤT KHẨU TÔM NĂM 2022 VƯỢT TRÊN 4 TỶ USD
Theo Tổng cục Thủy sản, nǎm 2022, ngành tôm tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, xǎng dầu, thức ǎn thủy sản tǎng.
Ngay từ vụ nuôi đầu năm, người nuôi tôm đã phải đối mặt với tình thế khó khi hầu hết chi phí vật tư đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý ao nuôi… đều đua nhau tăng giá.
Hội nghị tổ chức tại Sóc Trăng.
Chưa hết, khi vụ I chuẩn bị kết thúc, những cơn mưa trái mùa kéo dài, lượng mưa lớn đã làm độ mặn trên hệ thống kênh cấp tại các vùng nuôi giảm nhanh chóng và đến đầu tháng 5 thì hầu hết đã về con số 0. Từ đây, một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm, như: thân đỏ đốm trắng, vi bào tử trùng (EHP), phân trắng, EMS cũng bắt đầu bùng phát, gây hại tôm nuôi kéo dài đến cuối năm.
Tuy vậy, bước qua những thách thức, khó khăn, vụ nuôi tôm năm 2022 cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 5,3%.
Năm 2022, sản lượng tôm nuôi thu hoạch đạt 1.080 nghìn tấn, tǎng 8,5% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng tôm sú đạt 271,4 nghìn tấn; tôm thẻ chân trắng đạt 743,5 nghìn tấn; còn lại là tôm càng xanh và các loại tôm khác.
Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022, đạt 4,3 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2021 - đây cũng là mức kim ngạch cao kỷ lục của ngành tôm từ trước đến nay.
Ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết tuy có khó khăn ngay từ khi bắt tay vào vụ nuôi đầu năm, nhưng rất may là phần lớn diện tích nuôi vụ I đều đạt năng suất và giá bán cao.
"Vụ I nhờ môi trường thuận lợi nên dịch bệnh ít phát sinh, tỷ lệ nuôi thành công cao và tôm nuôi được về cỡ lớn (20-30 con/kg). Tuy nhiên, từ vụ II và vụ III, khi độ mặn không còn và dịch bệnh phát sinh thì tỷ lệ thành công cũng thấp đi, nhưng về tổng thể thì vụ tôm năm 2022 vẫn có được thành công nhất định”, ông Phục cho hay.
Tại hội nghị, các đại biểu trình bày những khó khăn hiện nay như: Giá thành sản xuất tôm vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỉ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).
Bên cạnh đó, chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do quá trình sản xuất và sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp. Tình trạng sản xuất, mua bán tôm giống trôi nổi, chưa qua kiểm dịch còn khá phổ biến một số địa phương ảnh hưởng đến chất lượng nuôi tôm...
ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2023, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750 nghìn ha, trong đó tôm sú 610 nghìn ha, tôm thẻ 120 nghìn ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng tôm các loại bằng với năm ngoái là 1.080 nghìn tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 750 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD.
"Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao".
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y...
Đồng thời, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng). Triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng Đồng bằng sông cửu Long. Tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh”, Thứ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc giữa các nhà với nhau, liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và các địa phương để quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Đối với Cục Quản lý chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Thứ trưởng Tiến chỉ đạo kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản nguyên liệu, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng. Chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
"Cần tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC... để nâng cao giá trị thị trường mới. Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nguồn: TBKTVN