Thị trường IPO châu Á sắp bước vào tuần bùng nổ

Một tuần bội thu đang đến gần

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, khoảng 20 công ty ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiến hành IPO vào tuần tới với số vốn huy động có thể lên tới 8,3 tỷ USD, đánh dấu khối lượng giao dịch hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2022.

Các thương vụ niêm yết lớn chủ yếu đến từ các công ty Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động phát hành cổ phiếu trên toàn khu vực.

"Thị trường châu Á đang xuất hiện mức độ tâm lý đám đông (animal spirits) nhất định", ông Matthew Emsley, giám đốc cấp cao tại công ty luật Herbert Smith Freehills LLP (Hong Kong), cho biết. "Mức độ hoạt động và tính cấp bách tăng lên để tận dụng sự tích cực đó", ông Emsley nhận xét về hành vi thị trường.

Hiệu suất của các cổ phiếu mới niêm yết đang là tâm điểm chú ý của các ngân hàng dự kiến tung ra một loạt các đợt chào bán cổ phiếu tại châu Á trong vài tuần tới, trong bối cảnh các công ty và cổ đông lớn cố gắng chốt giao dịch trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11.

Các thương vụ niêm yết dồn dập phản ánh nhu cầu của nhà đầu tư trong dài hạn dần phục hồi sau nhiều năm suy yếu do thị trường ảm đạm. Hãng sản xuất nước đóng chai Trung Quốc China Resources Beverage và công ty công nghệ xe tự hành Horizon Robotics sẽ chào bán cổ phiếu tại thị trường Hong Kong lần lượt vào ngày 23/10 và 24/10, với hy vọng huy động hơn 1,3 tỷ USD.

Thành công của hai công ty trên có thể thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ hơn của hoạt động chào bán cổ phiếu Trung Quốc tại Hong Kong, một phân khúc từng rất bận rộn và sinh lợi của thị trường IPO.

"Chúng ta có thể đang chứng kiến giai đoạn đầu của sự phục hồi trên thị trường huy động vốn Hong Kong và Trung Quốc", bà Cathy Zhang, Giám đốc thị trường vốn cổ phiếu châu Á tại Morgan Stanley, cho biết. "Chúng tôi cần nhiều công ty lớn hơn, chất lượng cao hơn niêm yết tại Hong Kong và tiếp tục hoạt động tốt để đảm bảo xu hướng này là bền vững", đại diện Morgan Stanley kỳ vọng.

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, China Resources Beverage, công ty đang kỳ vọng huy động khoảng 649 triệu USD, đã đóng sổ lệnh giao dịch sớm hơn một ngày so với dự kiến sau khi ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ của nhà đầu tư.

Trong khi đó, công ty công nghệ xe tự hành Horizon Robotics dự kiến huy động 696 triệu USD trong đợt IPO sắp tới, đã thu hút được các nhà đầu tư "tay to" như Alibaba và Baidu, những nhà đầu tư này cam kết nắm giữ cổ phiếu Horizon Robotics trong ít nhất 6 tháng.

Ấn Độ, Nhật Bản sắp có thương vụ IPO lớn nhất

Thị trường IPO của Ấn Độ đang nóng rực với "phát súng" đầu tiên trong tuần tới sẽ do Hyundai Motor India châm ngòi. Hãng ô tô này đặt cược thương vụ niêm yết đạt giá trị 3,3 tỷ USD, biến nó trở thành thương vụ IPO lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Nam Á.

Mặc dù thương vụ IPO của Hyundai Motor India đã ghi nhận lượng đăng ký mua vượt mức hơn hai lần vào ngày bán cuối cùng, nhưng lại không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nhỏ.

Ông Keshav Gupta, một nhà đầu tư cá nhân tại thành phố Calcutta (Ấn Độ), cho biết: "Toàn bộ lĩnh vực này (ô tô - BTV) hiện không có vẻ gì là hứa hẹn". Ông Gupta là một trong những nhà đầu tư nhỏ tại Ấn Độ đã đăng ký mua cổ phiếu IPO ở các thương vụ trước bằng tài khoản giao dịch của các thành viên gia đình. Tuy nhiên, ông đã không chọn cổ phiếu IPO của Hyundai.

Một phần lo ngại của các nhà đầu tư đến từ thực tế rằng ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ đang "hạ nhiệt" sau khi ghi nhận nhu cầu tăng đột biến trong đại dịch Covid-19.

Thật vậy, doanh số bán lẻ ô tô tháng 9 tại Ấn Độ đã giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các đại lý ô tô phải đối mặt với mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay là 80 - 85 ngày, theo dữ liệu từ Liên đoàn các Hiệp hội Đại lý Ô tô Ấn Độ (FADA).

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực tham gia các thương vụ IPO tại Ấn Độ và thậm chí các thương vụ niêm yết lớn có khả năng mở đường cho những giao dịch tương tự trong thời gian tới, theo ông Mahesh Natarajan, trưởng bộ phận thị trường vốn Ấn Độ tại Nomura Holdings.

"Có sự củng cố tích cực cho các công ty phát hành cổ phiếu khác khi thấy thành công của các đợt IPO lớn hơn và sau đó họ có được sự tự tin để thực hiện các đợt IPO lớn hơn nữa", ông Natarajan cho biết.

Tính cả thương vụ niêm yết của Hyundai, thị trường IPO Ấn Độ sẽ huy động được hơn 12 tỷ USD từ đầu năm đến nay, vượt qua khối lượng huy động được trong hai năm qua, nhưng vẫn thấp hơn con số kỷ lục 17,8 tỷ USD huy động được vào năm 2021, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Các đợt IPO khác sắp ra mắt tại Ấn Độ sẽ đến từ công ty giao đồ ăn Swiggy và công ty năng lượng tái tạo của nhà sản xuất điện do nhà nước điều hành NTPC.

Tại Nhật Bản, thương vụ niêm yết trị giá 2,3 tỷ USD của công ty tàu điện ngầm Tokyo Metro dự kiến diễn ra vào ngày 23/10. Đây sẽ là thương vụ IPO lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 2018, nó diễn ra trong bối cảnh thị trường Nhật Bản đang trong giai đoạn hỗn loạn. Đồng yên đã rớt giá xuống dưới 150 JPY đổi 1 USD vào tuần trước.

Công ty công nghệ X-Ray Rigaku Holdings của Nhật Bản dự kiến sẽ chào bán cổ phiếu ra thị trường vào ngày 25/10 với hy vọng huy động 750 triệu USD.

Tuy vậy, không phải tất cả các công ty có tiềm năng đều sẽ tiến hành niêm yết. Đơn cử, K Bank, công ty cho vay trực tuyến Hàn Quốc từng tham vọng huy động khoảng 700 triệu USD từ thương vụ IPO trong nước, đã rút lại kế hoạch niêm yết sau khi không thu hút đủ nhà đầu tư.

Nguồn: TBKTVN