Quay lại

Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới để tăng lợi nhuận cho nghề trồng lúa

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch... Lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là một hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

LÀM GÌ ĐỂ GIỮ CHÂN NÔNG DÂN Ở LẠI VỚI CÂY LÚA?
Tại Diễn đàn: "Thúc đẩy Nông nghiệp đại điền" mới đây, nhiều doanh nghiệp đã “hiến kế”, nêu những giải pháp làm cho nông dân yêu cây lúa, giữ chân nông ở lại với cây lúa trên vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đại diện Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), cho biết Nam Cường là xã ven biển của huyện Tiền Hải, đất đai trồng lúa vốn là vùng đất nhiều chua mặn, canh tác lúa năm được năm mất, năng suất thu được bị phụ thuộc vào thời tiết. Những năm gần đây, giá vật tư nông nghiệp tăng cao và không ổn định, nên nông dân đang dần có tư tưởng bỏ ruộng.  

Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững, Hợp tác xã Nam Cường đã đưa phân chuồng và tàn dư trên đồng ruộng vào sử dụng thay cho phân bón hóa học, mang lại hiệu quả cao.

“Sử dụng cá ủ vi sinh thay thế hoàn toàn phân đạm ure giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm bán ra 200% so với sản xuất thông thường. Qua đó người nông dân đã cảm thấy yên tâm và hy vọng hơn vào phát triển lúa gạo của địa phương”, đại diện Hợp tác xã Nam Cường chia sẻ.

Vụ mùa năm 2022, Hợp tác xã đã thu về 4 tấn thóc trên mỗi ha lúa, tương đương 2,7 tấn gạo với giá bán 30.000đ/kg gạo. Chất lượng gạo được khách hàng đánh giá thơm ngon hơn nhiều so với các loại gạo cùng giống trên thị trường.

Đại diện đại diện Hợp tác xã Nam Cường cho biết kế hoạch năm 2023, Hợp tác xã Nam Cường tăng diện tích sản xuất lúa sạch lên gấp 5 lần. Đồng thời cũng lên kế hoạch tuần hoàn lượng chất thải chăn nuôi của các thành viên Hợp tác xã nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sản xuất phân tại địa phương. 

Bà Trần Thị Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho hay ThaiBinh Seed đã và đang liên kết với bà con nông dân tại Thái Bình với diện tích 2.050 ha để sản xuất lúa gạo tập trung. Đặc biệt, ThaiBinh Seed đang triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo theo công nghệ Nhật Bản với diện tích 10 ha tại huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.

“Các cơ quan quản lý tạo điều kiện phát triển các mô hình trồng lúa quy mô lớn để tạo vùng sản xuất lớn tại Đồng bằng sông Hồng nói chung và Thái Bình nói riêng", bà Trần Thị Trà kiến nghị, đồng thời lưu ý bà con nông dân cần quan tâm đến vấn đề chất lượng giống lúa để đảm bảo đồng nhất chất lượng gạo, uy tín với khách hàng và thương hiệu vùng sản xuất.

Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Vinafood1 cho hay các thị trường tiêu thụ ngày càng yêu cầu chất lượng lúa gạo khắt khe hơn. Tại vùng đồng bằng sông Hồng đang diễn ra quá trình nông dân tích tụ đất đai, hình thành nên những hộ dân sản xuất quy mô từ 2 đến 20 ha/hộ. Như vậy, sẽ rất thuận lợi cho Vinafood 1 liên kết trực tiếp với các hộ dân sản xuất quy mô lớn, để tiêu thụ và cùng xây dựng thương hiệu gạo.

Tuy vậy, đại diện Vinafood băn khoăn: Khi mỗi hộ nông dân có thể sản xuất 12 - 120 tấn lúa tươi/vụ, vậy công nghệ sấy nên làm như thế nào? Đó là vấn đề chúng tôi luôn luôn gặp phải.

"Vì vậy, mong muốn các chính quyền địa phương, các cơ quan của ngành nông nghiệp và các đầu mối chung tay hỗ trợ các nông hộ trong khâu sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hợp tác xã và nông hộ; đảm bảo ổn định chất lượng giống gieo trồng”, đại diện Vinafood 1 bày tỏ

DOANH NGHIỆP ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG ĐƯA CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT LÚA
Đại điện Công ty Syngenta Việt Nam cho rằng hiện nay, nông dân trồng lúa đang đối diện với nhiều thách thức như yêu cầu tăng năng suất nhưng phải giảm lượng nước tưới và các yếu tố đầu vào; thách thức về biến đổi khí hậu, áp lực sâu bệnh hại gia tăng; ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa vào sản xuất; gia tăng hiệu quả đầu tư từ hoạt động sản xuất lúa...

Đã có nhiều giải pháp giúp ổn định bền vững vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả từ hoạt động sản xuất lúa như thúc đẩy việc phát triển giải pháp, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất; hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần trong chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo.

Với những lợi thế của mình, Syngenta đang tham gia và có đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất lúa gạo hàng hóa bền vững quy mô lớn bằng nhiều hoạt động như: nghiên cứu và chuyển giao các thế hệ giống lúa lai mới có năng suất cao, chống chịu tốt, chất lượng gạo ăn ngon.

Syngenta cũng đã khởi động chương trình phát triển hạt giống lúa thuần bằng việc hợp tác với nhiều cơ quan nghiên cứu; nghiên cứu thành công quy trình canh tác Gromore™ phù hợp với sản xuất lúa gạo bền vững theo quy mô lớn, giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo và quản lý dư lượng phù hợp.

"Do đó, việc ứng dụng các giải pháp canh tác lúa tiên tiến như SRI (phương pháp canh tác lúa sinh thái), IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng) sẽ giúp các đại điền giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm chi phí sản xuất; tạo ra sản phẩm chất lượng, tiến tới xây dựng được thương hiệu".

Ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành giới thiệu các giải pháp về công nghệ tự động hóa, thông minh thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền.

Theo đó, công ty đã có khoảng 7 năm hoạt động trong việc thúc đẩy mô hình công nghệ tự động hóa với nhiều giải pháp được giới thiệu về Việt Nam như máy bay nông nghiệp đa chức năng, hệ thống thiết bị lái tự động cho máy nông nghiệp… giúp giảm chi phí ứng dụng.

Ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc cho biết Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng được 6 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rạ trên đồng ruộng vụ xuân phục vụ sản xuất lúa vụ mùa với qui mô 600 ha; 6 mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh sản xuất phân hữu cơ sinh học từ rơm rạ và từ chăn nuôi gà, lợn; 4 mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sản xuất rau hướng hữu cơ và 6 mô hình sản xuất 150 ha lúa hữu cơ, quy mô 15 ha/mô hình trở lên.

Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng nêu kiến nghị các địa phương cần phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên các cánh đồng lúa, đẩy mạnh chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp, hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Về giảm phát thải trong trồng lúa, ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), cho rằng nhiều hộ sản xuất lúa vẫn luôn nghĩ rằng sản xuất lúa thì không có vấn đề về phát thải khí nhà kính. Thực tế lại ngược lại, sản xuất lúa lại là hoạt động tạo ra khí nhà kính lớn nhất.

Vì vậy, trồng lúa phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm phát thải khí nhà kính, canh tác lúa sinh thái, tuần hoàn. Bên cạnh đó, trong tương lai, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từng bước hoạt động trồng lúa sẽ hình thành thị trường bán chứng chỉ khí thải, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Nguồn: TBKTVN