Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng cao do các nước đẩy mạnh dự trữ lương thực
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cho biết xuất khẩu gạo tháng 2/2023 ước đạt 430 nghìn tấn với giá trị 231 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 789 nghìn tấn và 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
GIÁ GẠO XUẤT KHẨU TĂNG
Theo số liệu thống kê của cơ quan hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn.
Dẫn số liệu từ Hải quan, ông Toản cho hay trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn. So với tháng 1/2022, giảm 29% về số lượng, nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.
Phillipines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023 với 34,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2023 đạt 129,3 nghìn tấn và 64,55 triệu USD, giảm 44,7% về khối lượng và giảm 41,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 1/2023, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Đài Loan (tăng 54,6%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Gana (giảm 86,2%).
"Trong tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam lên tới 537 USD/tấn, tăng 17 USD/tấn so với tháng 1/2023. Trong đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 457 USD/tấn, tăng 8 USD/tấn so với tháng trước".
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 2, các chuyến hàng đến châu Phi và Malaysia giảm nhiều so với năm trước, trong khi các chuyến hàng đến Trung Quốc và Philippin lại tăng mạnh.
“Các chuyến hàng ngũ cốc từ Biển Đen vẫn tiếp tục theo một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhưng thỏa thuận đó sẽ được đàm phán lại trong tuần này và có nguy cơ xung đột Nga - Ucraina sẽ leo thang, dẫn đến chuỗi cung ứng ngũ cốc có thể bị đứt gãy trở lại. Vì vậy, dự báo nhiều thương nhân sẽ tăng mua gạo trong bối cảnh tình hình nguồn cung thế giới không chắc chắn”, ông Nguyễn Quốc Toản phân tích.
Hiện giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng đã tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm do nhu cầu mạnh ngay cả khi rủi ro nguồn cung toàn cầu vẫn còn. Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm hiện ở mức 397 - 404 USD/tấn, tăng 18 USD/tấn so với tháng trước. Nhu cầu tiêu thụ đã tăng mạnh trong vài tuần qua do giá gạo Ấn Độ thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Theo các quan chức chính phủ Ấn Độ và ngành lúa gạo của nước này, xuất khẩu năm gạo 2022 của Ấn Độ đã tăng kỷ lục bất chấp các biện pháp hạn chế của chính phủ khi người mua tiếp tục giành được các đề nghị cạnh tranh từ nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Để kiềm chế giá trong nước, Ấn Độ có kế hoạch tiếp tục cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng xuất khẩu.
Tại Thái Lan, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu trong tháng 2/2023 ở mức 460 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng trước trong bối cảnh giao dịch trầm lắng. Các thương nhân Thái Lan cho rằng nguồn cung mới sẽ có mặt trên thị trường vào đầu tháng 3 đến tháng 4 có thể làm giá gạo suy yếu hơn nữa.
Theo Báo cáo Triển vọng Cung cầu Lúa gạo tháng 2/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022/23 dự báo đạt 503 triệu tấn (gạo xay xát), gần như không đổi so với dự báo tháng trước, nhưng ít hơn 2% so với kỷ lục năm trước và mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ niên vụ 2015/16. Sản lượng gạo toàn cầu thấp nhất kể từ niên vụ 2019/20. Trong tháng này, sản lượng gạo được dự báo tăng ở Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan và Uzbekistan, giảm ở Achentina, Braxin, Cuba, EU và Việt Nam.
DỰ KIẾN NĂM 2023 XUẤT KHẨU 6,5-6,7 TRIỆU TẤN GẠO
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa.
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng ước đạt 24 triệu tấn lúa. Trong đó tiêu thụ nội địa cho vùng và TP. HCM khoảng 10,8 triệu tấn. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước khoảng 13,2 triệu tấn, tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: Gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn; gạo thơm, đặc sản đạt 2,1 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 0,9 triệu tấn; nếp đạt 0,6 triệu tấn.
Tại hội nghị về xuất khẩu gạo diễn ra vào cuối tháng 2/2023 tại TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định: "Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức cao, giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới. Nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý 1-2/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
"Mặc dù thuận lợi về mặt thị trường, song hiện nay theo phản ánh, các doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn, đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch vụ Đông Xuân đang đến gần".
Ông Hoàng Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật.
Đề cập về thị trường EU, ông Hoàng Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật cho hay theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.
“Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do”, ông Chinh nói.
Nguồn: TBKTVN