Xuất khẩu năm 2025 dự báo sẽ tích cực
Năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, vượt xa mục tiêu ban đầu mà Bộ Công thương đề ra là 6% (kim ngạch xuất khẩu tính đến ngày 15/12 đạt 385 tỷ USD, dự báo cả năm cán đích 400 tỷ USD). Ông đánh giá thế nào về kết quả này và dự báo về xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới?
Xuất khẩu năm 2024 tăng trưởng vượt kỳ vọng, tăng khoảng 2,5 lần so với mục tiêu mà Bộ Công thương đề ra từ đầu năm là 6%, một lần nữa chứng tỏ năng lực cung ứng hàng hóa của Việt Nam với các nhà mua hàng toàn cầu. Cần phải nói thêm, trong rất nhiều biến động không mấy tích cực của tình hình thế giới, bất ổn địa chính trị, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước, thì việc đạt được kết quả xuất khẩu này là cực kỳ ấn tượng.
Tôi cho rằng, xuất khẩu trong năm 2025 vẫn có đà tăng trưởng tốt, tiếp nối nền móng của năm 2024. Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận, không chỉ riêng yếu tố thị trường, mà chính là năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được nâng lên.
Chưa bao giờ, những sản phẩm xuất khẩu mang tính nền tảng như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có sự cải thiện vô cùng tích cực trong thời gian qua (năm 2024, ngành nông nghiệp xuất khẩu gần 62,5 tỷ USD). Chắc chắn, năm 2025 và những năm tới, xuất khẩu của nhóm hàng này sẽ còn tốt hơn nữa. Thêm nữa, sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp Việt trong chuỗi các mặt hàng xuất khẩu khác (chế biến chế tạo) cũng có sự tăng trưởng rõ rệt, quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các đối tác hết sức tốt đẹp, chúng ta đã tham gia hội nhập kinh tế sâu rộng, ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương với những đối tác lớn.
Nhưng thực tế, diễn biến chính sách thương mại tại nhiều thị trường đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… đang có nhiều thay đổi, yêu cầu về hàng hóa cao hơn, nhất là với các tiêu chí về tăng trưởng xanh, bền vững, đang là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt, thưa ông?
Các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu đều đã nắm được thông tin về sự thay đổi theo hướng nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, với các yêu cầu về chuyển đổi sản xuất xanh hơn, cắt giảm phát thải tại Mỹ, EU. Tôi cho rằng, vấn đề nằm ở khả năng chuẩn bị ra sao để ứng phó đối với một số cam kết về tiêu chuẩn liên quan tại nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam.
Với những doanh nghiệp quy mô vừa, cần nhanh chóng thành lập bộ phận chuyên trách để theo dõi những vấn đề này. Mặc dù thông qua các đối tác mua hàng, doanh nghiệp đã có thông tin về chính sách liên quan đến quy định, sự thay đổi của thị trường, nhưng việc lập bộ phận chuyên trách này vẫn hết sức quan trọng, từ đó giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh bị động, dễ bị gạt khỏi chuỗi cung ứng.
Nhiều ngành hàng đang lo ngại, bước sang năm 2025, xuất khẩu sang Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?
Chắc chắc sẽ có không ít thay đổi về chính sách thương mại tới đây, khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, nhưng trên hết, đó sẽ là những chính sách ưu tiên đảm bảo lợi ích cốt lõi cho Mỹ nhằm bảo vệ sản xuất nội địa, tránh phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài.
Tiếp theo, các chính sách liên quan đến thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; các chính sách liên quan đến hoạt động an sinh xã hội, thu hút đầu tư cũng sẽ được Tổng thống Donald Trump triển khai.
Với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khá lớn, vượt 100 tỷ USD (trong 11 tháng của năm 2024 đã đạt 98,4 tỷ USD), sắp tới, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo như dệt may, da giày, hàng điện tử, máy móc thiết bị của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có kim ngạch lớn cần hết sức lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại. Bởi, tuy kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng tỷ trọng tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị vẫn thấp, nguồn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu với khối lượng lớn, nên doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Rất mừng là trước bài toán về kéo giảm thâm hụt thương mại, nhằm thúc đẩy thương mại song phương hài hòa và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo về gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, tập trung vào nhóm hàng như máy bay, chip, khí hóa lỏng (LNG)…
Làm thế nào để duy trì sự tăng trưởng bền vững với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam mà vẫn giảm thiểu được những rủi ro liên quan đến chính sách thương mại, thưa ông?
Những năm qua, thương mại Việt - Mỹ phát triển rất mạnh, nhưng độ vênh giữa xuất khẩu với nhập khẩu cũng lớn, thặng dư thương mại lớn là một nguy cơ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn với nhiều ngành hàng của nước ta, trên hết, doanh nghiệp cần theo dõi, thường xuyên cập nhật những biến động, diễn biến tình hình thương mại, chính sách thương mại qua nhiều kênh (đối tác nhập khẩu, đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ…), lắng nghe ý kiến tư vấn của các nhà hoạch định chính sách.
Cơ bản nhất là ý thức của doanh nghiệp cần được nâng lên để không bị áp vào câu chuyện liên quan đến lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại. Về vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa, tuyệt đối tránh xuất khẩu những mặt hàng mà công đoạn tham gia của doanh nghiệp quá thấp, chỉ thực hiện những phần đơn giản như đóng gói, dán nhãn, dễ bị vướng vào kiện phòng vệ thương mại.
Nguồn: Báo Đầu tư