Xuất nhập khẩu cán đích gần 800 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp

Những con số kỷ lục về xuất nhập khẩu này được nêu tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành công thương, chiều 23/12/2024.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong năm qua với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới, gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao; cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao gần 25 tỷ USD.

Hoạt động xuất khẩu đã tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để đẩy mang về doanh thu lớn nhất có thể, nhờ đó, tăng trưởng được ghi nhận ở hầu hết các lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, nhiên liệu khoáng sản.

Nhóm công nghiệp chế biến phục hồi mạnh, là động lực đóng góp chính vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (chiếm gần 85%).

Đáng chú ý mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng đã từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia...

Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng.

Hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng).

Việc ký kết thành công CEPA trong năm qua góp phần mở rộng thêm xa lộ hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.

Cùng với đó, công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.

Kết quả đạt được trong năm 2024 của ngành công thương là hết sức ấn tượng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát giảm chậm, chính sách tiền tệ thắt chặt từ những năm trước tiếp tục duy trì đến hết quý III/2024 mới được nới lỏng một phần, chuỗi cung ứng toàn cầu, các luồng vận tải trọng yếu luôn đứng trước nguy cơ đứt gãy, gián đoạn.

Cùng đó là xu hướng phi toàn cầu hoá trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau.

Các nước thị trường xuất khẩu tăng cường áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; các tiêu chuẩn lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... gắn với thương mại của Mỹ).

Ấn tượng hơn cả là ngành nông nghiệp đã về đích với kết quả hơn cả mong đợi với kim ngạch xuất khẩu gần 63 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023.

Chia sẻ về kết quả này, tại Hội nghị tổng kết ngành công thương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Văn Hưng chia sẻ: “Đây là con số kỷ lục kể từ khi tham gia xuất khẩu, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp đạt 18,6 tỷ USD”.

Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục gần 800 tỷ USD, nhưng đằng sau con số này còn những điều băn khoăn. Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn đóng góp trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương thừa nhận: "Xuất siêu được tạo bởi khu vực doanh nghiệp FDI, trong khi khối doanh nghiệp trong nước thường xuyên nhập siêu".

Về bối cảnh năm 2025, Bộ Công thương nhận định, kinh tế, thương mại tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Theo đó, mục tiêu của ngành công thương phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng 12%, tức giá trị xuất khẩu năm sau “ngắm mốc” 451 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công thương khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện hoạt động quản lý nhà nước trong ngành Công thương.

Triển khai công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực, thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng.

Bộ theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc...

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao lưu ý: “Kinh tế toàn cầu phục hồi, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đứt gãy chuỗi cung ứng, đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn về mở cửa thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa theo hướng xanh hơn".

Nguồn : Báo Đầu tư