Quay lại

Thanh toán vốn đầu tư công thấp hơn cùng kỳ 35.000 tỷ đồng, áp lực giải ngân lớn dần

Điểm lại tình hình thực hiện các dự án trọng điểm trên toàn quốc, báo cáo về tình hình thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước tháng 6, ước thực hiện 7 tháng kế hoạch năm 2024 do Bộ Tài chính công bố cho thấy tổng số vốn giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải đến hết tháng 6/2024 là 28.836,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,4% kế hoạch năm 2024 được giao (94.724,7 tỷ đồng).

Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 26.737,1 tỷ đồng, đạt 36,8%; vốn ngân sách địa phương là 2.099,4 tỷ đồng, đạt 16,2%. Như vậy, kết quả giải ngân các dự án quan trọng quốc gia cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước 6 tháng năm 2024 (28,15%).

NHIỀU DỰ ÁN GIẢI NGÂN ĐẾN 80%

Một số dự án có tỷ lệ giải ngân tốt, cao hơn mức trung bình chung cả nước như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (46,8%); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (41,9%).

Thông tin từ cuộc họp kiểm điểm tiến độ các dự án cao tốc do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản cuối tháng 7/2024 cho thấy cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang bám sát tiến độ.

Ngoài hai đoạn tuyến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau và một đoạn tuyến khu vực Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi - Hoài Nhơn), các dự án thành phần khác cơ bản sẽ được hoàn thành từ 30/4 - 30/9/2025. Tư lệnh ngành nhiều lần nhấn mạnh Bộ Giao thông vận tải không hạn chế khối lượng đăng ký, ban quản lý dự án nào có nhu cầu vốn cần trình vụ chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ để được điều chuyển vốn ngay.

Trong tổng số vốn trên 30.000 tỷ đồng được bố trí trong năm 2024, tính đến hết tháng 6/2024, toàn dự án giải ngân trên 14.091 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch. Trong đó, nhiều dự án thành phần đạt tỷ lệ giải ngân cao như: Bãi Vọt - Hàm Nghi (78,3%); Vũng Áng - Bùng (76%); Vạn Ninh - Cam Lộ (71,6%)...

Dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có tổng chiều dài 35,28km do liên danh Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng tăng tốc thi công ngay sau khi nhận hiệu lệnh khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần đầu năm 2023 từ người đứng đầu Chính phủ. Dẫn đấu tiến độ nhưng trên công trường dự án, các kỹ sư, công nhân vẫn miệt mài thi công xuyên đêm, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào cuối tháng 6/2025, trước 3 tháng so với hợp đồng.

Ước giải ngân vốn đầu tư công tính đến cuối tháng 7/2024 của Bộ Giao thông vận tải ở mức cao, đạt 50,83% và nằm trong 11/44 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ ước giải ngân cao hơn bình quân chung gồm: Đài Truyền hình Việt Nam (100%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (53,95%), Bộ Xây dựng (47,91%)…

Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho rằng con số về giải ngân là kết quả và nỗ lực thực tế từ việc đẩy nhanh tiến độ các dự án thi công ngoài hiện trường. Công tác giải ngân hiện được tạo thuận lợi, Kho bạc Nhà nước giải ngân cả thứ 7, chủ nhật song vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, không đủ thủ tục, hồ sơ không thể giải ngân.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước như: Thanh Hóa (58,45%), Hòa Bình (56,79%), Long An (52,22%)…

Vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng có tỷ lệ giải ngân cao, đạt 76,46% kế hoạch. Đặc biệt, vốn bộ, cơ quan trung ương quản lý có tỷ lệ giải ngân trong 7 tháng năm 2024 đạt 99,58%; riêng Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân là 100%.

KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC KÉO LÙI GIẢI NGÂN

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, vẫn tồn tại một số dự án giao thông trọng điểm được giao kế hoạch vốn 2024 rất lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp như: dự án Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (được giao 9.805 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 13,5%); dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM (được giao 21.490,2 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 13,4%). Nếu tình hình không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của các dự án trọng điểm cũng như tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Cũng theo Bộ Tài chính, có đến 33/44 bộ, cơ quan trung ương và 25/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. 

Đặc biệt, có một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0% như: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do chưa phân bổ kế hoạch vốn. Một số đơn vị giải ngân rất thấp như Ủy ban Dân tộc (1,12%), Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (1,43%), Đại học Quốc gia Hà Nội (2,96%).

Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% như: TP.HCM (14,31%), Phú Yên (16,27%), Bắc Ninh (16,08%), Hải Dương (18,36%).

Việc một số địa phương có kế hoạch giao lớn nhưng tỷ lệ giải ngân không cao nên ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước, chẳng hạn TP.HCM được giao 79.263,78 tỷ đồng, chiếm 11,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cả nước; TP. Hà Nội được giao 81.033 tỷ đồng, chiếm 12,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân. Các vướng mắc của dự án trọng điểm giao thông vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để...

Ngoài ra, còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vẫn là các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách trong Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...

Do còn nhiều vướng mắc và nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm nên kéo lùi tỷ lệ giải ngân cả nước.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 là 244.903,1 tỷ đồng, đạt 31,61% tổng kế hoạch. Trong đó, ước thanh toán giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 là 12.811,7 tỷ đồng, đạt 23,54% kế hoạch.

Về giải ngân vốn kế hoạch năm 2024, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 là 232.091,4 tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (đạt 35,49% tổng kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). 

Đáng nói, đến hết tháng 7/2024 vẫn còn 19/44 bộ, cơ quan trung ương và 28/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao, với tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 21.115,6 tỷ đồng, chiếm 3,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

KHẨN TRƯƠNG GỠ VƯỚNG

Nhằm nâng cao năng lực hấp thụ vốn vào nền kinh tế, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm...

NGUỒN: TBKTVN