Đường dài ODM của gỗ nội thất
Chỉ 2 giờ sau khai mạc HawaExpo 2024, tổ chức ở TP.HCM đầu tháng 3, đã có gần 20 đoàn khách thăm gian hàng của Công ty Lâm Việt (Bình Dương). Nhiều khách hàng nán lại, xem xét kỹ lưỡng các sản phẩm mẫu do công ty này thiết kế, sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Lam, Tổng Giám đốc của Lâm Việt, kỳ vọng sẽ có thêm khách hàng “đặt mua hàng thiết kế”, dòng sản phẩm đang chiếm khoảng 50% sản lượng của Công ty.
Chuyển hướng ODM
Từng tập trung vào sản xuất gia công, mô hình sản xuất của Công ty Long Việt ở Bình Dương đã thay đổi sau dịch COVID-19 được kiểm soát, dành không gian nhất định phát triển sản phẩm có thiết kế ODM (Original Design Manufacturing). Theo đuổi mô hình kinh doanh ODM đòi hỏi doanh nghiệp ngoài việc đảm bảo chất lượng sản xuất, còn phải chủ động đầu tư thêm cho hàm lượng sáng tạo, bao gồm thiết kế, xây dựng thương hiệu... Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động trong kinh doanh, không phụ thuộc vào đơn đặt hàng.
“Ba bộ sưu tập và một số mẫu lẻ do Long Việt thiết kế đã được đền đáp xứng đáng, có 3 khách hàng đặt mua ngay trong tuần lễ diễn ra HawaExpo 2024”, ông Bùi Như Việt, Tổng Giám đốc Long Việt, chia sẻ với NCĐT.
Hàng đồ gỗ thiết kế sẽ phát triển trong tương lai, đặc biệt ở thị trường châu Âu, Trung Đông và thị trường ngách. Đến nay, đơn hàng thiết kế chưa nhiều nhưng đã mang lại cho Long Việt giá trị cao hơn sản xuất gia công, khoảng 20%. Ông Bùi Như Việt cho biết: “Sản xuất và bán hàng thiết kế không đơn giản và rất khó nếu doanh nghiệp chỉ có nhà máy”. Doanh nghiệp sẽ không bán được hàng nếu tự ý thiết kế, đưa ra sản phẩm không phù hợp thị trường và mong muốn của người mua. Sau 3 năm triển khai, quá trình chuyển đổi vẫn tiếp diễn tại Long Việt, nhưng theo cách tiếp cận thực tế là bán sản phẩm thiết kế theo ý tưởng khách hàng và thiết kế hàng mẫu dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm gia công, nắm bắt xu hướng thị trường và thị hiếu khách hàng.
Xu hướng này cũng phù hợp với định hướng của ngành nội thất Việt Nam. “Năm 2024, ngành gỗ vẫn còn nhiều bất ổn. Giải pháp trọng tâm trong năm 2024 là tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, gia tăng hàm lượng sáng tạo”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), cho biết.
Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng về thứ hạng trong ngành sản xuất đồ nội thất toàn cầu, từ hạng 13 năm 2014 lên hạng 6 vào năm 2023, tính theo quy mô giá trị, đứng sau Trung Quốc, Mỹ, Ý, Đức và Ấn Độ, theo CSIL, một tổ chức nghiên cứu tư vấn về thị trường nội thất và ngành công nghiệp có trụ sở tại Milan, Ý.
Bà Giovanna Castellina, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng của CSIL, nhận xét trong 10 năm qua, sự linh hoạt đã giúp ngành nội thất Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn các nước khác. Việt Nam đứng thứ 2, sau Trung Quốc về xuất khẩu nội thất, nhờ trung bình hằng năm tăng 11%. Việt Nam đang nắm 25% sản phẩm đồ gỗ bọc nệm, chiếm đến 10% sản lượng đồ bọc nệm của châu Á - Thái Bình Dương.
Giám đốc Nghiên cứu khách hàng của CSIL giữ quan điểm rằng: “Xuất khẩu là động lực tăng trưởng” khi chiếm 93% tổng sản lượng sản xuất của Việt Nam. Nhưng Việt Nam cũng có những thách thức, từ cơ cấu bạn hàng, năng lực thiết kế, đến chống gian lận thương mại. Thậm chí, bà Castellina còn cho rằng xuất khẩu đồ gỗ nội thất Việt Nam “rất rủi ro” khi tập trung quá nhiều vào Mỹ, thị trường chiếm hơn 50% kim ngạch hằng năm.
Bài toán nhân lực thiết kế
Thành công ban đầu của những doanh nghiệp tiên phong sản xuất đồ gỗ thiết kế đã có những tác động nhất định. Rủi ro là nhận thức không đồng đều dẫn đến phân loại quyết định của doanh nghiệp theo 3 hướng: (1) doanh nghiệp không quan tâm đến đầu tư sản xuất hàng thiết kế; (2) doanh nghiệp hiểu tầm quan trọng của mô hình sản xuất mới, nhưng ngại rủi ro; (3) doanh nghiệp muốn tham gia vào phân khúc cao hơn, nhưng không đủ năng lực, hoặc không biết bắt đầu từ đâu.
Từ lâu Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (Hawa) chỉ ra rằng, chuỗi giá trị sản phẩm gỗ gồm 4 phân khúc: sản xuất, thương mại, thiết kế (chiếm giá trị cao nhất trong chuỗi) và thương hiệu, ngành chế biến gỗ chỉ mới đạt được giá trị sản xuất ở mức trung bình khá và năng suất chưa cao, chất lượng chưa ổn định do trình độ tổ chức, công nghệ và kỹ năng lao động.
Chia sẻ với NCĐT, ông Trần Khánh Trung, Kiến trúc sư trưởng của TTT Architects, còn hé lộ bức tranh không lạc quan, dù khẳng định: “Năng lực thiết kế của người Việt không thua kém nước ngoài”. Theo ông Trung, trong nước có nhiều công ty thiết kế nhưng chưa có công ty chuyên về thiết kế đồ gỗ nội thất. Ông cho biết tình trạng dư thừa nhân lực thiết kế nhưng thiếu thiết kế đồ gỗ do số lượng đào tạo rất ít. Ngoài ra, thiết kế nội thất khác với thiết kế đồ gỗ nội thất, người làm thiết kế nội thất có thể thiết kế gỗ nội thất, nhưng người thiết kế gỗ lại không vẽ được nội thất. TTT Architects hiện có 120 nhà thiết kế nhưng chỉ có một đội ngũ làm thiết kế đồ gỗ. “Chúng ta đang thiếu một kế hoạch đào tạo về thiết kế đồ gỗ”, ông Trung nói.
Sự thiếu hụt này không thể xử lý trong ngắn hạn. Bây giờ, nhu cầu thiết kế đồ gỗ tăng lên nhưng phải 5 năm nữa các trường đại học mới có thể đáp ứng về số lượng. Dù vậy, ông Trung cũng gợi ý, các chương trình “đào tạo lại” nhân lực thiết kế đang dư thừa, có thể bù đắp vào nguồn cung đang thiếu hụt.
Ngoài ra, có thể thuê nước ngoài để giải quyết nhu cầu trước mắt. Trường hợp này, các doanh nghiệp cũng cần tính đến chi phí thuê thiết kế có thể tác động lên giá thành, ảnh hưởng đến cạnh tranh. Trên thế giới, một sản phẩm đồ gỗ thiết kế có thể được trả vài trăm ngàn đồng, có thể vài chục triệu, thậm chí vài tỉ đồng, tùy vào đẳng cấp của nhà thiết kế.
Kiến trúc sư trưởng của TTT Architects cũng lưu lý tính 2 mặt của ODM, một mặt mang đến giá trị gia tăng cao hơn, nhưng mặt khác có thể mang lại rủi ro cho nhà sản xuất nếu những mẫu thiết kế đẹp bị sao chép.
Nguồn: Nhipcaudautu