Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật kịch bản tăng trưởng 2024, quý IV phấn đấu đạt 7,6-8%
Tăng trưởng quý IV phấn đấu đạt 7,6-8%, cả năm đạt và vượt 7%
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả quý III và 9 tháng, với tăng trưởng GDP tương ứng là 7,4% và 6,82%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.
Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2024 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (Ảnh VGP) |
“Việc chúng tôi đưa ra kiến nghị này dựa trên 6 yếu tố”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và đề cập cụ thể 6 yếu tố này. Đó là xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế, sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc cần sớm khắc phục hậu quả bão số 3, phục hồi nhanh hơn; đầu tư của khu vực nhà nước phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn; các điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu giữ vững tốc độ tăng tích cực…
Bộ trưởng cũng đề cập việc thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa, đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật mới; và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
“Hai địa phương này mặc dù đã rất nỗ lực, quyết tâm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thu ngân sách nhà nước, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quý III, nhưng cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quý IV để giúp tăng trưởng cả nước vượt 7%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Số liệu thống kê cho thấy, ước GRDP 9 tháng của Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ, còn của TP.HCM là tăng 6,85%. Tuy nhiên, con số này nhìn chung chưa có sự bứt phá so với tăng trưởng 6 tháng đầu năm (lần lượt là 6,15% và 6,61%).
“Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, bất định, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, tạo áp lực lên điều hành tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới. Yêu cầu phải khai thác hiệu quả các cơ hội, thuận lợi, thời cơ, nhất là đẩy mạnh động lực tăng trưởng từ đầu tư, tiêu dùng trong nước để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa trong năm 2024, củng cố và giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để thúc tăng trưởng
Như vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của bão lũ, nhưng cơ hội để nền kinh tế Việt Nam tăng tốc vẫn còn lớn. Đó là lý do vì sao, trong kịch bản tăng trưởng vừa được cập nhật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những con số cao hơn so với kịch bản trước đây.
Hồi tháng 7/2024, sau khi mức tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cập nhật kịch bản tăng trưởng.
Theo đó, ở kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Để đạt được con số này, tăng trưởng quý III chỉ cần đạt 6,5%, và quý IV là 6,6%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7% và 7,0%).
Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV phải đạt 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm.
Đưa ra 2 kịch bản song Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.
Nhưng hiện tại, con số đã cao hơn. Quý IV, phấn đấu đạt 7,6-8%, để cả năm đạt 7% và cao hơn.
Để đạt được mức tăng trưởng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâ, trong quý IV, trong đó có việc sớm khắc phục hậu quả sao bão để khôi phục sản xuất - kinh doanh, tranh thủ được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng.
Trong nhóm giải pháp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, tiếp tục phát huy hiệu quả cơ chế tổ công tác làm việc với từng doanh nghiệp, nhà đầu tư để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Cùng với đó, nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn… Đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, Đề án Phát triển thị trường carbon, khu thương mại tự do tại các địa phương...
“Phải làm sao phát huy vai trò của 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, 26 đoàn làm việc của các thành viên Chính phủ với các địa phương để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các địa phương được giao số vốn đầu tư công lớn, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Đầu tư