Doanh nghiệp xuất khẩu đạt gần 355 tỷ USD

Nỗ lực lớn

“Doanh số bán xe chỉ đạt 96.500 chiếc các loại, giảm 25%, xuất khẩu hơn 2.500 xe, doanh thu đạt hơn 10 triệu USD; doanh thu của cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ước đạt gần 8.700 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022, xuất khẩu chỉ đạt hơn 105 triệu USD, giảm 75% so với năm 2022”, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) chia sẻ về một năm kinh doanh vất vả tại Hội nghị Tổng kết ngành công thương.

Không riêng Thaco giảm doanh số, mà hầu hết các ngành xuất khẩu lớn, đóng góp từ hơn 1 tỷ USD đến vài chục tỷ USD đều chung cảnh không đạt chỉ tiêu xuất khẩu do kinh tế toàn cầu gặp khó, lạm phát tăng cao tại nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn, gia tăng tâm lý thắt chặt hầu bao của người tiêu dùng.

Từ dệt may, giày dép, thủy sản, đến điện tử đều hụt hơi xuất khẩu hàng tỷ USD do những tác động không thuận của thị trường. Trong đó, xuất khẩu điện thoại, linh kiện ước giảm 4,3 tỷ USD, giày dép ước giảm 4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ ước giảm 2,7 tỷ USD, thủy sản ước giảm 1,7 tỷ USD…

Điểm sáng của xuất khẩu năm nay là nhóm hàng nông nghiệp, khi rau quả “bỏ túi” thêm khoảng 2,6 tỷ USD so với năm 2022, gạo thêm 1,2 tỷ USD, nhân điều thêm 500 triệu USD.

Nhờ tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, kết thúc năm 2023, xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm 4,6%; nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD, giảm 8,6%.

Phân tích về tình hình xuất khẩu trong năm 2023, Cục Xuất nhập khẩu cho hay: “Nếu so với sự sụt giảm xuất khẩu của các nước trong khu vực, xuất khẩu của nước ta phục hồi tích cực hơn. Cụ thể, sau 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu của Malaysia giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước; Indonesia giảm 12,3%; Singapore giảm 10,8%. Thái Lan và Philippines giảm 3,8% và 6,5% so với cùng kỳ. Ở khu vực Đông Bắc Á, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 11,5%, Nhật Bản giảm 5% và Trung Quốc giảm 5,7%.

Do nhập khẩu giảm mạnh, nên cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng ước đạt 26 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2022.

Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước, nhưng mức độ suy giảm đã được thu hẹp, từ mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023, xuống mức giảm khoảng 4,6% trong cả năm 2023.

Mặc dù mức độ suy giảm trong xuất khẩu được thu hẹp, nhưng về cơ bản vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn, khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như kỳ vọng.

Doanh nghiệp cảnh giác với phòng vệ thương mại

Kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo tiếp tục đối mặt với những thách thức từ suy thoái và lạm phát cao, tăng trưởng dự kiến chậm lại chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ được thực hiện trong 2 năm qua. Theo đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ chưa “dễ thở”, buộc các ngành hàng, doanh nghiệp phải cân não nhiều hơn, linh hoạt, uyển chuyển trong điều hành sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, thị trường năm 2024 vẫn đối diện nhiều rủi ro khó đoán định, bao trùm vẫn là khó khăn.

“Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau lạm phát đang phải đối diện với nguy cơ giảm phát. Tại một số thị trường lớn khác cũng tương tự và điều này không tốt cho xuất khẩu của nước ta”, ông Phú nói.

Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng các rào cản thương mại để bảo vệ sản xuất nước họ. Điều này sẽ tác động đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng cho hay, hàng tồn kho tại Hoa Kỳ hiện đã giảm, nhưng sức mua vẫn chưa khởi  sắc. Cùng với đó, thị trường này tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam. Những yếu tố này sẽ tác động không thuận tới xuất khẩu của nước ta trong năm tới.

Để duy trì thương mại bền vững, giảm kiện tụng, ông Hưng lưu ý các doanh nghiệp khi sử dụng nguyên liệu đầu vào trong sản xuất hàng xuất khẩu. Nếu sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc trong một số lĩnh vực, nguy cơ cao sẽ bị áp dụng phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ các nội dung xung quanh tuyên bố chung giữa 2 nước về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 để khai thác tốt nhất dư địa thị trường 330 triệu dân này.

Nguồn: Báo Đầu tư