Hoạt động thị trường vốn Trung Quốc xuống đáy nhiều thập kỷ

Hoạt động trên thị trường vốn cổ phần ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tụt xuống mức thấp trong nhiều thập kỷ, cho thấy tình trạng ảm đạm của nền kinh tế đang tác động nặng nề đến niềm tin của nhà đầu tư.

Theo dữ liệu từ nền tảng tài chính Dealogic, từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc chỉ huy động được tổng cộng 6,4 tỷ USD qua các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), phát hành thêm cổ phiếu và phát hành cổ phiếu chuyển đổi. Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay.

Trong khi đó, huy động vốn cổ phần của doanh nghiệp Trung Quốc tại các thị trường quốc tế, bao gồm Hồng Kông, chỉ đạt 1,6 tỷ USD, mức thấp nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2003. Còn các thương vụ mua bán và sáp nhập ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc cũng chỉ đạt tổng giá trị 2,5 tỷ USD, mức thấp nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2005.

Trên thị trường trái phiếu quốc tế, doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan chính phủ Trung Quốc chỉ huy động được tổng cộng 26 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Con số này dù cao hơn so với mức 24 tỷ USD cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2016. Ở trong nước, tổng giá trị phát hành trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc là 246 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

“Nói về mối quan tâm của nhà đầu tư toàn cầu dành cho Trung Quốc, hiện tại chắc chắn là giai đoạn tồi tệ nhất mà tôi từng trải qua trong sự nghiệp của mình”, ông Wang Qi, giám đốc đầu tư tại UOB KayHian (Hồng Kông), chia sẻ. Ông Wang bắt đầu làm việc trong lĩnh vực tài chính kể từ những năm 1990.

“Đối với bất kể nhà đầu tư nào, tình hình đều rất u ám”, một người giấu tên đang làm việc trong ngành tài chính Trung Quốc cho biết. “Những bất ổn về kinh tế vẫn đang hiện hữu”.

Năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2%. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không đạt được sự phục hồi mạnh mẽ như kỳ vọng sau khi gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 kìm hãm hoạt động kinh tế suốt 3 năm trước đó. Trong phần lớn thời gian của năm qua, kinh tế Trung Quốc ở trong tình trạng giảm phát. Trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này chỉ tăng 0,1%.

Theo tờ báo Financial Times, dù đại dịch đã qua, những con số về thị trường vốn cho thấy hệ thống tài chính của Trung Quốc đang ngày càng cô lập. Trong khoảng 3 tháng đầu năm 2021, các công ty Trung Quốc huy động được tổng cộng 61 tỷ USD từ việc phát hành cổ phiếu ở nước ngoài. Con số này lớn gấp 39 lần so với 3 tháng đầu năm nay.

Sau nhiều năm qua tìm cách thâm nhập thị trường tài chính khổng lồ của Trung Quốc, các ngân hàng đầu tư nước ngoài giờ đây đang đối mặt sự suy giảm đáng kể của hoạt động thị trường. Tập đoàn hóa chất nông nghiệp Thụy Sỹ Syngenta tháng trước đã rút lại kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Thượng Hải dù đã chuẩn bị từ lâu. Việc nhà chức trách Trung Quốc siết quản lý với các thương vụ niêm yết cũng khiến nhiều công ty nước ngoài khác hủy bỏ kế hoạch lên sàn ở nước này. Tính từ đầu năm, tổng giá trị phát hành cổ phiếu mới tại thị trường tài chính trong nước Trung Quốc giảm 83% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, các ngân hàng đầu tư nước ngoài cũng đang phải điều chỉnh chiến lược trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm ngoái, căng thẳng địa chính trị đã gây áp lực lên hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), nhưng ở thời điểm này của năm 2023, giá trị của các giao dịch này ở Trung Quốc vẫn lớn gấp 3 lần so với mức hiện nay.

Trên thị trường trái phiếu quốc tế, lãi suất tăng khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đối mặt chi phí cao khi huy động vốn ở nước ngoài. Ngược lại với các ngân hàng trung ương ở Bắc Mỹ và châu Âu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vài năm gần đây đã nhiều lần hạ lãi suất cơ bản.

Hai năm qua, các công ty bất động sản Trung Quốc, từng là lực lượng chủ chốt trên thị trường trái phiếu lợi suất cao châu Á, đã ngừng phát hành trái phiếu quốc tế sau khi Bắc Kinh siết chặt quản lý trường địa ốc vốn hoạt động chủ yếu dựa trên vay nợ của nước này.

Chỉ số CSI 300 gồm các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến dù tăng 3% từ đầu năm đến nay nhưng đã giảm khoảng 40% so với đỉnh năm 2021.

“Các công ty Trung Quốc hoặc có liên quan tới Trung Quốc đều đang tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi và chi tiêu vốn có kỷ luật hơn”, bà Mandy Zhu, giám đốc ngân hàng toàn cầu tại Trung Quốc của UBS, nhận xét.

Nguồn: TBKTVN