Hội thảo “Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo”
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2022 và triển khai phương hướng đến năm 2025, chiều 10/3/2023 tại Bến Tre đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo”. Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bến Tre tổ chức đã thu hút 120 người đến từ các doanh nghiệp ĐBSCL tham dự.
Trong lời đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, theo báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu ước tính chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỉ USD của năm 2020 lên 1.900 tỉ USD vào năm 2030, và gần 5.000 tỉ USD vào năm 2050. Thị trường thực phẩm Halal đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh ở khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông, châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.
ĐBSCL hiện là một trong 7 vùng kinh tế lớn trên cả nước với nhiều tiềm năng về cả nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. ĐBSCL có thế mạnh nông nghiệp to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Thị trường các nước Hồi giáo là thị trường tiềm năng với 57 quốc gia, đang chiếm 25% dân số thế giới, dự báo dân số các nước Hồi giáo sẽ chiếm 30% dân số thế giới, là một thị trường lớn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm Halal đang tăng rất nhanh, trong khi nguồn cung bị thiếu hụt. Tuy nhiên để đảm bảo tiêu chuẩn đạt chứng nhận Halal việc thâm nhập vào thị trường này đòi hỏi từ khâu nuôi trồng cho đến khâu chế biến phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của người Hồi giáo, do đó các doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn để mở cửa vào thị trường đầy tiềm năng trong tương lai.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam cho rằng tiềm năng kinh tế Halal toàn cầu rất lớn. Tuy nhiên để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình. Khoảng 20 sản phẩm có thể khai thác từ thị trường Việt Nam là cơ hội lớn cho các tỉnh ĐBSCL khai thác hiệu quả trong thời gian tới.
Theo ông Ramlan Osman, để đạt chứng nhận Halal, doanh nghiệp cần tìm hiểu về thông tin sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa và cả yếu tố văn hóa, đạo đức của người Hồi giáo để từ đó xây dựng và phát triển sản phẩm đạt chứng nhận Halal và được các thị trường Hồi giáo nhập khẩu một cách thuận lợi nhất. Ngoài thực phẩm, Việt Nam còn có thể khai thác các dòng sản phẩm như dược phẩm, mỹ phẩm, may mặc. Hiện nay, Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng giá trị thị trường Halal toàn cầu. Trong khi đó, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... không phải là quốc gia Hồi giáo nhưng họ đã đầu tư phát triển chiếm được thị phần lớn của thị trường Hồi Giáo toàn cầu.
Trong phần hỏi đáp, có 6 doanh nghiệp đặt câu hỏi cho Ban tổ chức về các tiêu chuẩn, quy trình xây dựng cho các sản phẩm đạt chứng nhận Halal cũng như chi phí cho quá trình tư vấn tiêu chuẩn Halal. Các doanh nghiệp cũng tìm hiểu cơ hội cho các sản phẩm đạt chứng nhận Halal xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo, những khác biệt giữa các nước Hồi giáo trên thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp nêu nhu cầu muốn được ITPC làm cầu nối cho các đơn vị tư vấn cũng như tổ chức cấp chứng nhận Halal có uy tín hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL cũng như chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn đào tạo cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các khóa đào tạo về Halal.
Hội thảo cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các doanh nghiệp cũng như mong muốn nhận nhiều sự hỗ trợ hơn nữa từ ITPC và Trung tâm Halala Việt Nam về tư vấn Halal cho doanh nghiệp các tỉnh DBSCL.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC