Mở đường phát triển các mô hình kinh tế mới

Các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam 2023 (Vietnam New Economy 2023) với chủ đề: “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững” được Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức ngày 6/10/2023, đều thống nhất rằng việc thúc đẩy triển khai các mô hình kinh tế mới được xem là yếu tố then chốt hướng tới một thế giới thịnh vượng, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Việc triển khai các mô hình kinh tế mới cũng là yếu tố tiên quyết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như các quốc gia trên thế giới đã cam kết tại Hội nghị COP 26.

BAN HÀNH NHIỀU CHÍNH SÁCH ĐỂ CHỚP THỜI CƠ
Nhận thấy rõ lợi ích và tiềm năng rất lớn từ các mô hình kinh tế mới và nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo quan điểm phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030, phù hợp với bối cảnh mới và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế mới đã được ban hành trong thời gian gần đây.

Điển hình, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 1658/QĐ - TTg với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ngày 31/3/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định số 411/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Cũng trong năm 2022, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định số 687/QĐ - TTg phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” với mục tiêu tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng, đó chính là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do vậy, “ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới”, ông Trung nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, mô hình kinh tế mới đã hình thành và phát triển đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng và phát triển bền vững.

Chẳng hạn, về kinh tế số, Việt Nam có tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế số cao. Cho đến nay, 100% sở, ban, ngành, địa phương được kết nối mạng WAN (mạng diện rộng); tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt hơn 98%, tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 100%...

Về kinh tế tuần hoàn, những mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường đang được nghiên cứu, triển khai.

Về kinh tế chia sẻ, dù với tên gọi khác nhau, song bản chất đều là kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau, đem lại giá trị kinh tế cao, tác động không nhỏ đến người tiêu dùng, giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

Một số loại hình kinh tế chia sẻ đã xuất hiện ở Việt Nam, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ, đó là: vận chuyển hành khách với chia sẻ phương tiện giao thông như GrabTaxi và Uber, Go Viet, Dichung, Fastgo, Be…; dịch vụ lưu trú, du lịch như mô hình Airbnb, Triip.me, Travelmob… ; dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending), chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech).

THIẾU VẮNG CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM
Dù đạt được các kết quả tích cực nhưng việc triển khai các mô hình kinh tế mới còn nhiều vấn đề đặt ra. Các chính sách tại nhiều lĩnh vực dù được ban hành và rất cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của doanh nghiệp, thể chế vẫn cần hoàn thiện. Ông Nguyễn Đức Hiển phân tích cụ thể.

Một, đối với kinh tế số, kinh tế chia sẻ, chính sách phát triển công nghệ còn yếu và thiếu. Xây dựng cơ sở dữ liệu nhưng thực trạng rất manh mún và phân tán, không có sự kết nối liên thông.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

"Khung chính sách thử nghiệm (sandbox) là việc các doanh nghiệp được thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng khoa học, công nghệ trong khoảng thời gian và không gian nhất định dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, vẫn chưa được quan tâm xây dựng, có thể sẽ dẫn tới nhiều rủi ro.

Các quy định pháp luật chưa bắt kịp xu thế phát triển các mô hình kinh tế mới".

Hai, để phát triển kinh tế xanh, Việt Nam đang thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, các ngành kinh tế công nghệ cao sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngành kinh tế môi trường như: công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái sử dụng và tái chế chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng tái tạo, sản xuất hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn môi trường, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…

“Dù Chính phủ đã có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế thân thiện môi trường, nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, đầu ra của sản phẩm thiếu ổn định, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận thấp nên vẫn chưa hình thành được những ngành kinh tế đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả các vấn đề môi trường hiện nay”, ông Hiển nêu rõ.

Ba, việc phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trên thực tế còn nhiều hạn chế, bởi kinh tế tuần hoàn đòi hỏi có những thay đổi đột phá và đổi mới căn bản. Sự chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn liên quan đến nhiều chủ thể và liên quan tới khả năng quản lý, hoạt động sản xuất công nghiệp của từng quốc gia. Hiện còn nhiều rào cản trong thực thi, như: tài chính, cấu trúc, hoạt động, thái độ và công nghệ để phát triển kinh tế tuần hoàn.

Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dẫn lại lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói về chủ đề phát triển kinh tế tuần hoàn, đó là “mới và khó”. Vì vậy, bà Minh tiết lộ CIEM đang chủ động dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm để phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm sớm hiện thực hóa lợi ích từ mô hình này...

Nguồn: TBKTVN