Ngành cao su Việt Nam sẵn sàng ứng phó với EUDR

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đạt 499 ngàn tấn, trị giá 743 triệu USD; tăng 6,4% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với khoảng 384 ngàn tấn, trị giá gần 544 triệu USD. Xếp vị trí thứ 2 là Ấn Độ với gần 38,5 ngàn tấn, trị giá hơn gần 60 triệu USD.

TỔNG GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU CỦA TOÀN NGÀNH CAO SU ĐẠT 9,4 TỶ USD NĂM 2023

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến “Thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng Châu Âu" diễn ra vào chiều 17/5/2024 tại TP.HCM do Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) và Forest Trends phối hợp tổ chức, ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), cho biết trong năm 2023, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cao su đạt hơn 9,4 tỷ USD, bao gồm: cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su chế biến sâu và gỗ cao su.

"Tuy không phải thị trường xuất khẩu dẫn đầu của toàn ngành cao su Việt Nam, EU vẫn là khách hàng quan trọng đối với các nhóm ngành cao su thiên nhiên và sản phẩm cao su chế biến sâu. EU cũng là thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa”.

Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA).

Sản phẩm cao su chế biến sâu đạt kim ngạch cao nhất, với 4,4 tỷ USD năm 2023, tăng 3,5% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang EU ước đạt gần 375,3 triệu USD, nhiều nhất là sản phẩm lốp xe ước đạt 268,2 triệu USD, chiếm 71,5% giá trị xuất khẩu trong thị trường EU.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 2,1 triệu tấn với giá trị gần 2,9 tỷ USD, giảm 0,1% về lượng và giảm 12,8% về giá trị so với năm 2022. Việt Nam đã xuất khẩu cao su đến hơn 80 quốc gia, Trung Quốc dẫn đầu, chiếm 79,6%, thứ hai Ấn độ 5,3%, thứ ba là EU với tổng lượng xuất khẩu đạt 66.472 tấn, chiếm 3,1% thị phần, giá trị đạt gần 94,3 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu gỗ cao su đem về 2,2 tỷ USD trong năm 2023.

NGÀNH CAO SU ĐỐI MẶT VỚI EUDR

Ông Hoàng Thành, đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR). Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023. Theo EUDR, 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cao su, sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này vi phạm các quy định của quốc gia xuất khẩu và/hoặc gây mất rừng và suy thoái rừng.

Theo ông Hoàng Thành, các quốc gia trên thế giới đã có những phản ứng khác nhau khi EC ban hành EUDR. Tháng 9/2023, Đại sứ của 17 quốc gia đã cùng ký và chuyển một bức thư chung tới các lãnh đạo cấp cao nhất của EU cho rằng Quy định EUDR là chưa hợp lý.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Tháng 10/2023, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã phát hành thông cáo chung, kêu gọi EU xem xét thừa nhận cao su là một loại cây rừng, coi việc trồng cây cao su cũng như trồng rừng. Tháng 3/2024, gần 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) trì hoãn việc thực thi EUDR. Tuy nhiên, tháng 4/2024, hơn 170 tổ chức từ khắp nơi trên thế giới đã gửi thư tới Chủ tịch EC cùng kêu gọi EC không dời thời hạn, nhanh chóng thực thi và đảm bảo tất cả các bên liên quan tuân thủ EUDR.

"Để đáp ứng yêu cầu trong Quy định của EU về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR), các sản phẩm từ cao su muốn nhập khẩu vào thị trường EU cần được bảo đảm đã được thực hiện đầy đủ các quy định về Trách nhiệm giải trình (Due diligence), bao gồm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng lô đất sản xuất ra các hàng hóa đó”.

Ông Hoàng Thành, đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Đánh giá về sự ảnh hưởng của EUDR đến ngành cao su Việt Nam, ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện có 918.000 ha trồng cao su, bao gồm nguồn cao su tiểu điền chiếm 52% và cao su đại điền chiếm 48%. Việt Nam đã có hơn 200.000 ha cao su đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC, với 100% diện tích này là các diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Một diện tích nhỏ khoảng 6.000ha thuộc một số doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ tiểu điền đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

“Các diện tích cao su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không đối mặt với khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bởi các diện tích này đã được trồng cao su từ lâu, đất đai có nguồn gốc, ranh giới rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất” - ông Võ Hoàng An nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chí về không phá rừng, EUDR cũng bao gồm các tiêu chí khác, trong đó có tính hợp pháp về quyền sử dụng đất, đảm bảo đất có ranh giới rõ ràng và thông báo cho khách hàng về vị trí địa lý của lô đất và thời gian thu hoạch/sản xuất. Đây sẽ là những khó khăn với hơn 260.000 hộ trồng cao su tiểu điền.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Vinh Quang, cán bộ nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, cho rằng: "Khó khăn lớn nhất của ngành cao su Việt Nam trong việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc cao su nằm ở phần cung nguyên liệu của cao su tiểu điền trong nước và phần cao su nhập khẩu”. Hiện tại, chuỗi cung tiểu điền tương đối phức tạp, với cao su khai thác từ các hộ đi qua nhiều khâu trước khi được đưa vào chế biến. Một số diện tích cao su tiểu điền chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất.

"Ngoài nguồn cung trong nước, ngành chế biến cao su Việt Nam còn nhập khẩu lượng cao su nguyên liệu khá lớn từ Campuchia và Lào. Thông tin về nguồn cung nhập khẩu từ Campuchia và Lào hiện rất ít, khiến chuỗi cung nhập khẩu hiện tại không cho phép việc truy xuất nguồn gốc", ông Nguyễn Vinh Quang phân tích.

NGÀNH CAO SU CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Vào tháng 6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Khung Kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng EUDR. Tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra các đề nghị đến cơ quan EC: Công bố quy trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR, ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn để có kế hoạch thích ứng kịp thời; Có giải pháp giảm thiểu chi phí trong thực thi EUDR…

Theo ông Võ Hoàng An, để thích ứng với EUDR, Hiệp hội đã và đang tham khảo một số phương pháp đã và đang được phát triển bởi các ngành hàng, quốc gia khác trên thế giới. Đó là, lập bản đồ số và khả năng truy xuất nguồn gốc đến cấp độ vườn cây, số hóa chặng đường đầu tiên của chuỗi giá trị nông nghiệp có thể đặt nền tảng cho các biện pháp can thiệp bền vững toàn diện.

Hiệp hội Cao su Việt Nam đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiến nghị với EU về lộ trình cụ thể đối với việc thực thi EUDR, ban hành tài liệu kỹ thuật hướng dẫn cho các ngành hàng bị ảnh hưởng, trong đó có ngành cao su, để có kế hoạch thích ứng kịp thời.

Đồng thời đề nghị Nhà nước nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực hộ tiểu điền cao su trong việc thích ứng với EUDR, đặc biệt là về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, tích hợp số liệu về cao su vào hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, hệ thống thông tin vùng sản xuất, hỗ trợ các bên trong vấn đề pháp lý trong sử dụng đất và áp dụng các phương pháp truy xuất nguồn gốc.

Nguồn: TBKTVN