Ngành dược phẩm sẽ duy trì tăng trưởng tích cực

Giai đoạn đầu năm 2000, tỉ lệ tầng lớp trung lưu chỉ ở mức 8%. Theo số liệu khảo sát của PwC và Bộ Lao Động, các năm sau đó, Việt Nam tăng thêm khoảng 1,2%/năm số lượng người tầng lớp trung lưu. 

 

Công ty Chứng khoán Mirae Asset ước tính ở đầu năm 2000, chi tiêu cho dược phẩm bình quân tại Việt Nam ước đạt 5,4 USD/người và đã tăng nhanh chóng lên mức 63,5 USD/người vào năm 2020. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 -2022, những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và chính sách dược phẩm đã khiến cho thị trường dược phẩm chững lại. Tổ chức này ước tính chi tiêu cho dược phẩm bình quân năm 2022 ở mức 66 USD/người.

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, EEUA đã chỉ ra sự thay đổi lớn về tỉ lệ tử vọng các bệnh ở Việt Nam. Trong đó, các vấn đề về đột quỵ, bệnh tim, bệnh tắc nghẽn hô hấp và tiểu đường đã trở thành các nguyên nhân tử vong chính ở Việt Nam từ năm 2019. Các bệnh lý về tiểu đường, gan thận và hô hấp đã tăng trên 40% trong vòng 10 năm qua. 

“Việc đô thị hóa nhanh chóng, hút thuốc, gia tăng sử dụng chất có cồn đã khiến cho các dạng bệnh lý tại Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp, yêu cầu phác đồ điều trị nâng cấp cũng như chất lượng thuốc ngày càng tăng. Đứng trước sự thay đổi lớn về bệnh tật cũng như mức gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, chúng tôi dự phóng ngành dược phẩm sẽ tiếp tục duy trì CAGR 6% giai đoạn 2023 - 2028”, Mirae Asset nhận định. 

Đồng thời, tổ chức này dự phóng giá trị ngành dược phẩm năm 2023 và 2024 lần lượt đạt 7,24 tỉ USD và 7,89 tỉ USD, tăng trưởng lần lượt 3,4% và 9,1% so với cùng kỳ. 

 

Theo Mirae Asset, trong năm 2022, ngành dược gặp những vướng mắc trong việc xét duyệt mã số thuốc. Nhưng từ đầu năm 2023, các văn bản pháp lý mới giúp khơi thông những khó khăn. Theo đó, tổ chức này đánh giá doanh nghiệp dược phẩm nội địa sẽ tiếp tục gia tăng lợi thế cạnh tranh nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt ở mảng thuốc ETC (các loại thuốc bán theo đơn bác sĩ).  

Ở một khía cạnh khác, báo cáo của Công ty Chứng khoán Shinhan lại chỉ ra rằng, nhờ thu nhập cải thiện, ngoài thuốc điều trị, các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ được quan tâm hơn, dẫn đến chi tiêu cho dược phẩm ngày càng lớn. Năm 2023, dân số Việt Nam đạt mốc hơn 100 triệu người, trong đó người cao tuổi phụ thuộc (trên 60 tuổi) chiếm 13%. Tuổi thọ trung bình tăng cao (năm 2022: 73,6 tuổi) dẫn đến tỉ lệ già hóa dân số ngày càng tăng, thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm chức năng và chi tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thiết bị y tế.

Theo Chứng khoán Shinhan, với chất lượng dịch vụ ổn định và sản phẩm đa dạng, dự kiến thị trường bán lẻ dược phẩm vẫn còn dư địa và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các năm tới. Dự kiến, chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ chiếm 15-16% thị phần bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam vào năm 2025.

Nguồn: Nhipcaudautu