Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Âu - Mỹ đạt 125 tỷ USD

Theo số liệu thống kê của Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Âu, châu Mỹ năm 2023 dự kiến đạt khoảng 208 tỷ USD giảm khoảng 9,5% so với năm 2022.

CÁC THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC GIẢM MẠNH

Trong đó, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 166 tỷ USD giảm 9,6%, nhập khẩu dự kiến đạt gần 41 tỷ USD giảm 9,1%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường Âu - Mỹ dự kiến đạt 125 tỷ USD, trong đó thặng dư với các nước châu Âu đạt khoảng 33 tỷ USD, với châu Mỹ đạt khoảng 92 tỷ USD.

Đáng lưu ý, lần đầu sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu với một số thị trường trọng điểm giảm mạnh như: Hoa Kỳ dự kiến đạt 96,9 tỷ USD giảm 12,4% so với năm 2022; EU đạt 43,7 tỷ USD giảm 6,7%; các nước CPTPP ở châu Mỹ đạt 13,1 tỷ USD giảm 10,6%.

Duy chỉ có thị trường Anh, các nước khối EAEU, các nước Mercosur và một số thị trường nhỏ dự kiến chứng kiến sẽ có mức tăng trưởng xuất khẩu lần lượt là 3,1%, 12,7% và 10%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện thoại, máy tính và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; da giầy và túi xách; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản... đều chứng kiến mức sụt giảm trung bình trên 10% so với năm 2022.

Phân tích nguyên nhân của sự sụt giảm này, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, cho rằng với độ mở nền kinh tế lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu nửa đầu năm 2023 và sự phục hồi một cách chậm chạm và không đồng đều của các nền kinh tế trên thế giới nửa cuối năm 2023.

Theo IMF, tốc độ tăng trưởng GDP của các đầu tầu kinh tế tại khu vực châu Âu - châu Mỹ phần lớn được dự báo tăng trưởng ở mức dưới 2,5% (Hoa Kỳ 2,1%, Canada 1,3%, EU 0,7%, Anh 0,5%, Nga 2,2%...) ngoại trừ các nước như: Mexico dự báo tăng 3,2%, Braxin tăng 3,1%.

Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số thống kê của phía bạn 10 tháng năm 2023: EU giảm nhập khẩu từ thị trường ngoài khối gần 16%; Hoa Kỳ nhập khẩu từ thế giới giảm 6%.

Lạm phát tuy đã kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao cộng thêm sức ép từ bất ổn địa chính trị, thay đổi sâu sắc hành vi và thói quen tiêu dùng tại các nước Âu Mỹ dẫn đến việc duy trì thị trường xuất khẩu khó khăn hơn.

THÁCH THỨC NĂM 2024 CÒN KHÁ LỚN

Theo Vụ thị trường châu Âu- châu Mỹ, bước sang năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ có những điều kiện thuận lợi nhưng cũng đối mặt với những thách thức lớn.

Thuận lợi là các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Mặt khác, nhu cầu thị trường thế giới và khu vực châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED: 2%).

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Song thách thức bao trùm đó là nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới, với đầy rủi ro và thách thức và khó đoán định. Năm 2024, tốc tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ dự báo thấp hơn so với năm 2023.

Cụ thể theo IMF, tốc độ tăng trưởng GDP 2024 thế giới dự báo 2,9% (so với 3% năm 2023). Tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế lớn khu vực châu Âu - châu Mỹ năm 2024 giảm hoặc tăng không đáng kể so với năm 2023: Hoa Kỳ 1,5% (so với 2,1%), Khu vực đồng Euro 1,2% (so với 0,7%), Anh 0,6% (so với 0,5%), Nga 1,1% (so với 2,2%), Canada 1,6% (so với 1,3%), Mexico 2,1% (so với 3,2%), Braxin 1,5% (so với 3,1%), Khu vực Mỹ La tinh giữ nguyên 2,3%.

Cùng với đó, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác. Xu hướng “phi toàn cầu hoá” đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.

Việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Việc các nước đang dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc ra sẽ tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như: Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Băng-la-đét... làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Do đó, để tận dụng tối đa thuận lợi và giảm thiểu tác động của các thách thức trên đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ kiến nghị theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai theo hướng cụ thể và sâu sát theo từng thị trường và ngành hàng, tập trung vào: tăng cường nhận thức của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp về thông tin thị trường, khả năng tự chủ nguyên phụ liệu, năng lực sản xuất...

Ngoài ra, huy động hệ thống chuyên gia để huấn luyện và phổ biến cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu.

Nguồn: TBKTVN