Nỗ lực đưa nền kinh tế vượt qua “cơn gió ngược”

Tại tọa đàm “Kinh tế Việt Nam trước những cơn gió ngược” diễn ra cuối tuần qua, giới chuyên gia nhìn nhận, những “cơn gió ngược” là tác động dai dẳng, kéo dài của đại dịch Covid-19 dẫn đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự Nga - Ukraine. Bên cạnh đó còn là lạm phát thế giới neo ở mức cao, hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ…

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nhờ chính sách điều hành linh hoạt, kinh tế Việt Nam “tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước”. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, riêng quý III tăng 5,33% so với cùng kỳ năm 2022, đây là kết quả khá cao so với các nước khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, dư địa còn lại so với mục tiêu Quốc hội giao năm nay 4,5% là “hoàn toàn đạt được”.

Điểm sáng năm nay là giải ngân đầu tư công, khi 9 tháng đạt 51,38%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 110.000 tỷ đồng - mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm. Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, giúp hạ mặt bằng lãi suất hỗ trợ tốt cho tăng trưởng.

Theo dự báo được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cuối tháng 9, Việt Nam được cho là vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á, đạt mức 5,8% năm 2023. Tuy nhiên, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam kỳ vọng, với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 30/9 là hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, theo tính toán, để đạt mức tăng trưởng trên, kinh tế quý IV phải tăng 10,6%, đòi hỏi đột phá cả phía cung và cầu. Ở phía cung, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần sự đột phá, tăng vượt bậc ở quý cuối năm. Về phía cầu, giải ngân đầu tư công có khả năng tăng tốt hơn 3 tháng cuối năm, nhưng cần giải pháp kích cầu để phục hồi tốt hơn thị trường tiêu dùng nội địa.

Khuyến nghị những giải pháp giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu trong ngắn hạn, Giám đốc quốc gia ADB cho rằng, cần kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân có thêm tiền, các khoản trợ cấp, làm sao để khuyến khích tiêu dùng. Cần tăng đầu tư công bởi không gian cho chính sách tài khóa còn rất rộng.

Ngoài ra, cần tiếp tục chính sách cắt giảm thuế giá trị gia tăng, kéo dài hết cả năm sau chứ không chỉ là 3 tháng cuối năm; tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ; phối hợp tốt hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để bảo đảm nguồn tiền vào nền kinh tế liên tục, không bị ngắt quãng.

Trong khi đó, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) góp ý, Việt Nam cần cải cách thể chế mạnh hơn để củng cố niềm tin, hỗ trợ doanh nghiệp. “Cải cách thể chế lần này phải khác trước, thay vì đỡ phiền hà cho doanh nghiệp, phải hướng tới yểm trợ, trợ lực cho họ”, ông Khương nói.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm, ông Khương lưu ý các doanh nghiệp, ngoài nâng cấp sản phẩm, cần đưa ra chiến lược đột phá, chuyển đổi mạnh mẽ hơn theo hướng chuyển đổi xanh, sản xuất xanh.

Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào việc xanh hóa nền kinh tế, đặc biệt là xanh hóa nguồn năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái cho các ngành công nghệ cao. Bên cạnh đó, phải đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, nguồn tín dụng lớn, linh hoạt đối với các doanh nghiệp để chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bền vững.

“Với chỉ đạo, điều hành theo phong cách hiện nay và nỗ lực đổi mới của cả hệ thống thời gian tới, Việt Nam sẽ có bước đi ngoạn mục trong 2 - 5 năm tới. Vì vậy, tôi không lo tăng trưởng năm nay, mà tin rằng, năm 2030, tăng trưởng 7 - 8% là hoàn toàn có thể”, TS. Vũ Minh Khương nói.

Nguồn: Báo Đầu tư