Thời điểm để nền kinh tế tăng tốc, bứt phá

Đòi hỏi nỗ lực lớn

Dù xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế vẫn đang tiếp tục, với hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô, từ sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài… đều có sự tăng trưởng theo hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, song khó khăn vẫn chực chờ.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chỉ ra hàng loạt rủi ro, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là tình hình sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp có chuyển biến, nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Bởi thế, việc hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn khó khăn, khiến dư nợ tín dụng đến ngày 28/11 chỉ tăng 8,78% (cùng kỳ tăng 12,01%).

“Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Áp lực điều hành vĩ mô trong hiện tại, có lẽ không chỉ là làm sao tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất có thể, hay kiểm soát lạm phát, mà còn là các vấn đề liên quan đến tỷ lệ nợ xấu đang cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra, hay việc xử lý các ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng” còn nhiều khó khăn, cũng như các khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Nếu không kịp thời xử lý, hệ lụy đối với nền kinh tế là không nhỏ.

Khó khăn là có thật, khi trong báo cáo được công bố vào đầu tháng 12/2023, S&P Global cho biết, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm xuống 47,3 điểm trong tháng 11/2023, thấp hơn so với mức 49,6 điểm của tháng 10/2023. Như vậy, đã là tháng thứ 3 liên tiếp, PMI của Việt Nam giảm điểm. Lý do xuất phát từ việc sản lượng giảm nhanh hơn khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm; việc làm và hoạt động mua hàng giảm trở lại...

“Nhu cầu yếu cả ở trong và ngoài nước đã khiến ngành sản xuất Việt Nam có sự suy giảm trong tháng 11/2023. Với số lượng đơn đặt hàng mới giảm, các công ty đã giảm sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng, đồng thời cũng hạn chế lượng hàng tồn kho”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market nói, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng, với tình hình hiện nay, ngành sản xuất sẽ bước vào năm 2024 với tình trạng “khá ảm đạm”, hy vọng nhu cầu sẽ sớm tăng trở lại.

Sản xuất khó khăn thì sẽ khó kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức cao. Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 5,19%. Con số này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra, nhưng cũng là một kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

Còn tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, bên cạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng nội địa, phải đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Thời điểm cho sự tăng tốc

Dù kinh tế còn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2024 chính là thời điểm phải tăng tốc, bứt phá, bởi chỉ có như vậy mới kỳ vọng đạt được kết quả cao nhất của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Trong Nghị quyết 103 của Quốc hội, ngay từ nhiệm vụ số 1, giải pháp số 1, đã đưa ra vấn đề làm sao đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Những năm gần đây, chúng ta thường đặt mục tiêu, nhiệm vụ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trước, sau đó mới đến các giải pháp khác, còn năm 2024, thúc đẩy tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu.

- Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Xác định như vậy, nên Chính phủ mới đây trình Quốc hội thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, với một trong những mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế năm 2024. Theo Dự thảo Nghị quyết, phương châm điều hành của Chính phủ trong năm tới dự kiến là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động linh hoạt, kịp thời hiệu quả, phát triển bứt phá”. Sẽ còn có những thay đổi sau các phiên thảo luận của Chính phủ, nhưng mục tiêu “phát triển bứt phá” đã được đề cập.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương, khi trao đổi về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024, cũng cho biết, trong Nghị quyết 103 của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cũng như trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế được đặt ưu tiên hàng đầu.

Nhắc tới phương châm 2024 của Chính phủ, dự kiến là tận dụng được các cơ hội để “bứt phá”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nền kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng tốc, bứt phá.

“Qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy, cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh và nhắc đến xu hướng phục hồi xuất khẩu, cũng như tiêu dùng.

Trong khi đó, đầu tư, bao gồm cả đầu tư nhà nước, tư nhân và đầu tư nước ngoài, theo Thứ trưởng, cơ hội là “khá tốt”, đặc biệt là về thu hút đầu tư nước ngoài.

“Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là một nhiệm vụ khó, bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn mà đến nay chưa thể dự báo được. Nhưng với những gì đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết 01, chúng tôi rất kỳ vọng phấn đấu hoàn thành được mục tiêu Quốc hội đề ra”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Liên quan việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, CIEM cũng vừa đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng trong năm tới. Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP tăng 6%, kịch bản cao là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%. Trong đó, kịch bản cơ sở được cho là “dễ xảy ra”.

Dù có thể “dễ xảy ra”, nhưng theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, để tạo được sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo, cần có những chính sách, chiến lược điều hành, phát triển kinh tế phù hợp, nhằm tận dụng lợi thế từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Đây chính là những động lực tăng trưởng mới mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tới và chỉ đạo phải thúc đẩy để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong tháng cuối cùng của năm 2023, cũng như năm 2024. Đó là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Nguồn: Báo Đầu tư