Xuất khẩu cao su “bỏ trứng vào một giỏ” nhưng giá bán thấp nhất so với các đối thủ

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu 210.000 tấn cao su, thu về 270 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với tháng 8/2023. So với tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu cao su tháng 9/2023 tăng 8,5% về lượng, nhưng giảm 3,7% về trị giá. Giá xuất khẩu cao su bình quân trong tháng 9/2023 ở mức 1.283 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng 8/2023 và giảm 11,2% so với tháng 9/2022.

THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC CHIẾM HƠN 99%

Lũy kế 9 tháng của năm 2023, xuất khẩu cao su đạt 1,42 triệu tấn, trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 1,6% về lượng nhưng giảm 17,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là cao su sơ chế, bao gồm cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR 10, SVR 3L, SVR CV60, RSS3, SVR 20...

"Trong 3 quý, xuất khẩu cao su sơ chế, gồm cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 66,96% về lượng và chiếm 67,67% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, với ước tính 910 nghìn tấn, trị giá 1,24 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng, nhưng giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022".

Tổng cục Hải quan.

Nhiều chủng loại cao su xuất khẩu giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý như: Cao su tái sinh, Skim block, SVR CV40, RSS4… nhưng các chủng loại này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Về giá xuất khẩu, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giá giảm mạnh nhất là: Skim block giảm 28,1%; Latex giảm 24,3%; RSS3 giảm 22,7%; cao su hỗn hợp (HS: 4005) giảm 22,4%; SVR 10 giảm 20,9%...

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm tới 99,73% về lượng và chiếm 99,56% về trị giá trong tổng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước trong 8 tháng, với hơn 807.000 tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, tăng 19,4% về lượng nhưng giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 2,14 triệu tấn cao su, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 9,7% về lượng và tăng hơn 1% về trị giá so với năm 2021. Đây là năm ghi nhận xuất khẩu cao su cao nhất trong 5 năm gần đây về cả lượng và giá trị. Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1,6 triệu tấn, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng 14,6% về lượng và tăng 4,3% về trị giá so với năm 2021.

GIÁ CAO SU XUẤT KHẨU GIẢM ĐẾN BAO GIỜ?

Xuất khẩu cao su đang “bỏ trứng vào một giỏ”, khi thị trường Trung Quốc từ tỷ trọng 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước năm 2022, đã tăng lên 99,73% trong tổng lượng cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của nước ta 9 tháng đầu năm 2023.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng do giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 và 3 quý của năm 2023, đều thấp nhất trong số các đối thủ xuất khẩu cao su. Với lợi thế giá thành rẻ cùng nguồn cung cao su dồi dào, các đối tác Trung Quốc luôn thích mua cao su sơ chế từ Việt Nam.

Theo thống kê từ Trade Map, giá cao su xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 ở mức 1.267 USD/tấn, thấp nhất trong 5 quốc gia xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu sang Trung Quốc. Trong năm 2022, Việt Nam chiếm 13,1% lượng cao su và các sản phẩm từ cao su nhập khẩu vào Trung Quốc, là nhà cung cấp lớn thứ hai, chỉ đứng sau Thái Lan với 28,3%.

Bên cạnh đó, sự tương thích trong cung cầu cao su giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là yếu tố quan trong giúp gia tăng xuất khẩu sang thị trường này. Cụ thể, cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là hai dòng sản phẩm cao su chiếm thị phần nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc với 28,2% và 63,3% trong tổng số cao su nhập khẩu. Đây cũng chính là hai loại cao su chính của Việt Nam với tỷ trọng 81,5% trong tổng lượng cao su xuất khẩu; 18,5% còn lại là cao su chế biến sâu.

So sánh xuất khẩu cao su các tháng trong năm 2023 và năm 2022.

So sánh xuất khẩu cao su các tháng trong năm 2023 và năm 2022.

Nhìn lại hành trình xuất khẩu 9 tháng qua, cho thấy xuất khẩu cao su giảm mạnh trong những tháng đầu năm. Xuất khẩu cao su rơi xuống mức thấp nhất vào tháng 4/2023 với 87.749 tấn và trị giá 121,79 triệu USD, giảm 24,3% về lượng và giảm 25,7% về trị giá so với tháng 3/2023; giảm 13,9% về trị giá so với tháng 4/2022.

Do sự sụt giảm này, đã khiến xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm giảm tới 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Từ tháng 5/2023, xuất khẩu cao su đã hồi phục dần. Trong các tháng 7, 8, 9, xuất khẩu cao su liên tục tăng trưởng về khối lượng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên do giá xuất khẩu giảm mạnh, nên giá trị kim ngạch vẫn luôn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Suốt hơn 2 năm qua, chứng kiến giá cao su xuất khẩu liên tục giảm. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 giảm 7,8% so với năm 2021. Hiệp hội Cao su Việt Nam lý giải, giá cao su giảm trong các năm 2021 và 2022 là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid, Trung Quốc “đóng cửa” đã tác động tiêu cực đến thị trường cao su. Bước sang đầu năm nay, nhiều dự báo cho rằng Trung Quốc mở cửa trở lại, sẽ giúp giá xuất khẩu cao su hồi phục. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, giá cao su xuất khẩu tiếp tục suy giảm.

Mặc dù vậy, đến thời điểm này vẫn nhiều nhận định tỏ ra lạc quan rằng, giá cao su sẽ tăng trưởng trở lại trong quý cuối năm và đầu năm 2024. Hiện giá dầu đang tăng lên, đã khuyến khích người dùng chuyển từ cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ sang sử dụng cao su tự nhiên. Trong bối cảnh xuất khẩu cao su của Việt Nam đang rơi xuống mức âm, thì tín hiệu lạc quan ở thị trường chủ lực là Trung Quốc vẫn nhen nhóm hy vọng của các nhà xuất khẩu cao su Việt Nam.

Trung Quốc đang có tham vọng đưa ngành sản xuất xe điện, xe hybrid và các nhà sản xuất ô tô, dẫn đến nhu cầu nhập cao su cho sản xuất lốp xe của nước này cũng đang lên cao.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trên "bản đồ” thương mại cao su thế giới, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn. Dự báo nhu cầu cao su của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng cuối năm, do đó giá cao su thế giới từ nay đến cuối năm có thể hướng tới vùng giá 1.700-1.800 USD/tấn nếu kinh tế Trung Quốc và ngành công nghiệp sản xuất ô tô của nước này đạt mức kỳ vọng”.

Trước những lợi thế và nhu cầu rõ ràng, Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Với tình hình thực tế 3 quý đầu năm, kỳ vọng xuất khẩu cao su 3 tháng cuối sẽ không còn tăng trưởng âm. Tuy vậy, dự báo kim ngạch xuất khẩu cao su khó có thể đạt được mục tiêu 3,5 tỷ USD, sẽ chỉ dừng ở mức 3 tỷ USD.

Nguồn: TBKTVN