Bờ Biển Ngà là cửa ngõ cho hàng Việt Nam thâm nhập thị trường châu Phi

Trong sự cởi mở, chân thành và hợp tác, hai Chủ tịch Quốc hội cùng trao đổi và thống nhất phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế thương mại.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, Quốc hội hai nước cần đóng vai trò đòn bẩy, là chất xúc tác, tạo động lực đẩy mạnh quan hệ hai nước. Mong muốn quan hệ giữa Quốc hội hai nước sẽ trở thành hình mẫu về hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước châu Phi.

Đánh giá cao chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chuyến thăm lần này đánh dấu việc nối lại hoạt động trao đổi đoàn giữa hai nước sau hơn 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19-19, là đoàn cấp cao nhất và Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Bờ Biển Ngà sang thăm Việt Nam sau 48 năm.

BỜ BIỂN NGÀ MONG MUỐN THÚC ĐẨY HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP, ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ GIAO THÔNG VỚI VIỆT NAM
Tại hội đàm, điểm lại một số kết quả hợp tác tích cực trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà cho rằng đây chính là cầu nối trong quan hai bên. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà nêu rõ hơn 80% hạt điều và 70% vải sợi bông được sản xuất tại Bờ Biển Ngà được xuất sang Việt Nam. Ngược lại, có đến 40% gạo nhập khẩu của Bờ Biển Ngà là đến từ Việt Nam, ngoài ra Bờ Biển Ngà còn nhập khẩu nhiều hàng hóa khác như máy móc, xe máy, các phương tiện cơ giới.

Đánh giá cao những kết quả trong trao đổi thương mại hai nước, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà cho rằng đây là lĩnh vực nhiều tiềm năng và trên cơ sở kết quả nền tảng đã có, hai bên cùng nhìn về tương lai để cùng trao đổi và thúc đẩy hợp tác hai bên trong vòng 50 năm tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà  Adama Bictogo - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà  Adama Bictogo - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo nhấn mạnh, Quốc hội hai nước phải đóng vai trò, động lực đòn bẩy để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước; đồng thời, quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp cũng có vai trò xúc tác để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hiện tại.

Theo Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà, có 3 lĩnh vực cụ thể mà hai bên có thể rà soát, tận dụng hơn nữa lợi thế của mỗi bên để thúc đẩy quan hệ.

Một là, trong lĩnh vực nông nghiệp. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà đánh giá cao Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Kinh nghiệm của Việt Nam là điều mà Bờ Biển Ngà có thể học học và hai bên cùng nhau thiết lập, triển khai cơ chế hợp tác “đôi bên cùng có lợi”, cho phép các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư các nhà máy chế biến nông sản tại Bờ Biển Ngà.

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện cho các chuyên gia Việt Nam đào tạo cho nhân lực của Bờ Biển Ngà về trồng lúa, cơ giới hóa trong trồng lúa nước; xuất các sản phẩm cơ khí nông nghiệp sang Bờ Biển Ngà.

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà chia sẻ bên cạnh các mặt hàng nông sản như bông và hạt điều thì Bờ Biển Ngà cũng là quốc gia xuất khẩu cacao lớn trên thế giới. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà bày tỏ mong muốn Việt Nam có thể trở thành cửa ngõ, là cầu nối để cacao của Bờ Biển Ngà có thể xuất khẩu vào thị trường các nước Đông Nam Á và các nước châu Á.

Hai là, trong lĩnh vực giao thông. Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà cho biết phía Việt Nam và Bờ Biển Ngà có hiệu hoạt động giao thương, hợp tác tuy nhiên việc chưa có đường bay thẳng giữa hai nước. Do đó, mong muốn hai bên sớm có giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hai nước đi lại, giao thương.

Ba là, trong hợp tác giáo dục, đào tạo. Bày tỏ ấn tượng với công tác giáo dục của Việt Nam với nhiều thế mạnh, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà mong phía Việt Nam giúp đỡ Bờ Biển Ngà trong phát triển đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho thanh niên trong các lĩnh vực tin học, cơ khí, điện tử. Đây là giải pháp mà Bờ Biển Ngà hướng tới trong giải quyết vấn đề thất nghiệp và việc làm hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo nhấn mạnh đây là những lĩnh vực hợp tác mà Quốc hội hai nước đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối để củng cố và tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Một lần nữa bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp của phía Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà bày tỏ ấn tượng khi đến thăm Tòa nhà Quốc hội, thể hiện hình ảnh, vị thế của Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà chia sẻ tự hào khi nhìn lại lịch sử cho thấy Việt Nam từ một nước có xuất phát điểm tuy thấp sau chiến tranh nhưng đã có phát triển nhanh chóng, tích cực, hướng tới tương lai, ngày càng khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới.

"Việt Nam đã trở thành hình mẫu, tấm gương cho Bờ Biển Ngà về sự nỗ lực, về thành công, về sức chống chịu. Nhấn mạnh, Việt Nam đã thực sự là một tấm gương, là nguồn cảm hứng đối với nhiều nước trên thế giới trong cuộc chiến đấu tranh chống lại đói nghèo và chậm phát triển. Khẳng định chuyến thăm là cơ hội đến Bờ Biển Ngà tận dung cơ hội học hỏi kinh nghiệm phát triển của Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà phát biểu.

Toàn cảnh hội đàm - Ảnh: Quochoi.vn

Toàn cảnh hội đàm - Ảnh: Quochoi.vn

Cảm ơn trước những lời nói tốt đẹp của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà dành cho đất nước, con người Việt Nam và quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí cao về những chia sẻ về phương hướng hợp tác thực chất, cụ thể, mang tính khả thi cao và thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

VIỆT NAM SẴN SÀNG CHIA SẺ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN CÙNG BỜ BIỂN NGÀ
Tại hội đàm, trao đổi về quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội cho biết, mặc dù thời gian qua, hai nước đều chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, cùng với căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, hậu quả của thiên tai, biến đổi khí hậu nhưng hai nước có thể tự hào về kết quả hợp tác khá tích cực, toàn diện trên các mặt chính trị, ngoại giao, thương mại.

Về chính trị, ngoại giao, hai nước kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè châu Phi, trong đó có Bờ Biển Ngà; coi Bờ Biển Ngà là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu lục.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cùng đưa quan hệ chính trị, ngoại giao đi vào chiều sâu, hợp tác thực chất và cùng có lợi trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương và giao lưu Nhân dân, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tăng cường khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp nhiều và hiệu quả hơn nữa. Hai nước tiếp tục tăng cường phối hợp trong các tổ chức Pháp ngữ (OIF) và các cơ chế đa phương khác (Liên hợp quốc, phong trào Không liên kết).

Về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tại hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là trụ cột trong quan hệ hai nước, thống nhất rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng giúp nhau phát triển.

Chủ tịch Quốc hội cho biết hiện Việt Nam có khoảng 15 hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, bao phủ thị trường của 60 đối tác, quốc gia quan trọng. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ các cơ hội cùng với Bờ Biển Ngà. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên cần trao đổi các biện pháp sáng tạo hơn nữa để thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương cho tương xứng với tiềm năng to lớn của mỗi nước theo hướng cân bằng hơn và đa dạng hóa mặt hàng trao đổi.

Các đại biểu phía Quốc hội Việt Nam - Ảnh: Quochoi.vn.

Các đại biểu phía Quốc hội Việt Nam - Ảnh: Quochoi.vn.

Thống nhất rằng, hai bên tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp để đưa các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. Khẳng định, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để hàng hóa của Bờ Biển Ngà thâm nhập vào thị trường ASEAN và châu Á nói chung; sẵn sàng bàn để nhập khẩu thêm hạt điều, bông, cacao

Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp và đa dạng hóa mặt hàng trao đổi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp, tham dự các hội chợ, triển lãm tổ chức tại mỗi nước. Đề nghị Bờ Biển Ngà tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham dự một số sự kiện thương mại lớn tổ chức thường niên tại Việt Nam như Hội chợ thương mại quốc tế VietnamExpo, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Vietnam Foodexpo...

Việt Nam mong muốn mở rộng trao đổi một số mặt hàng khác mà Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, phân bón, dệt may, giày dép, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, điện tử, máy móc, thiết bị điện; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kim ngạch thương mại gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà với số lượng lớn giá cả hợp lý.

Hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất Bờ Biển Ngà có thể là cửa ngõ cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường châu Phi, ngược lại Việt Nam cũng có thể là cửa ngõ cho các sản phẩm của Bờ Biển Ngà và thị trường ASEAN.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh những kết quả hợp tác ban đầu giữa nước trong lĩnh vực đầu tư; nêu rõ, Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, tạo thuận lợi cho thanh toán giữa hai bên thông qua tăng cường các quan hệ đại lý giữa các Ngân hàng thương mại, hoặc cho phép mở chi nhánh của Ngân hàng Việt Nam tại Bờ Biển Ngà.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phía Bờ Biển Ngà sớm phản hồi về dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu mối phụ trách về Hiệp định thương mại song phương Việt Nam để hai bên tiếp tục trao đổi. Tích cực đàm phán ký các văn kiện hợp tác, tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư (Hiệp định khung về hợp tác, Hiệp định thương mại, Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định đánh thuế trùng). Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là cơ sở pháp lý cần thiết để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh, khẳng định Quốc hội Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán kí kết các văn kiện quan trọng này.

Về hợp tác đa phương, mong muốn hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết... Chủ tịch Quốc hội, đề nghị Bờ Biển Ngà ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2030 - 2032.

Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giúp Bờ Biển Ngà tăng cường hợp tác với ASEAN mong muốn Bờ Biển Ngà tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi trong khuôn khổ Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các quốc gia châu Phi. Đề nghị Bờ Biển Ngà ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bờ Biển Ngà tại hội đàm - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Bờ Biển Ngà cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bờ Biển Ngà tại hội đàm - Ảnh: Quochoi.vn

Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất nhận định đây là lĩnh vực ưu tiên và hai nước có thế mạnh để mở rộng hợp tác.

Chủ tịch Quốc hội nêu các đề nghị hai bên tiếp tục thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác đối với lĩnh vực nông nghiệp như một lĩnh vực hợp tác ưu tiên thông qua cơ chế Nam - Nam hoặc phối hợp đề xuất bên thứ 3 hỗ trợ để thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà (với nguồn tài trợ từ EU, OIF, FAO...).

Hai bên nhất trí rằng cần duy trì, phát triển hợp tác chuỗi giá trị về hạt điều. Theo đó, hai bên cần thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến hạt điều; hợp tác trao đổi chuyên gia về sản xuất điều; mong muốn Bờ Biển Ngà tạo điều kiện duy trì nguồn cung cấp điều ổn định và với khối lượng lớn, sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Bờ Biển Ngà cải tiến giống, tăng năng suất.

Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác nông nghiệp, trao đổi chuyên gia, chia sẻ kinh nghiệm với Bờ Biển Ngà trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Bờ Biển Ngà tầm nhìn đến năm 2030, hướng đến tăng nhanh năng suất hàng năm đối với các cây trồng xuất khẩu (ca cao, hạt cọ, dứa, xoài), cây lương thực (lúa gạo) và nuôi trồng thủy sản.

Về hợp tác lĩnh vực khác, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh đề xuất hợp tác trao đổi kinh nghiệm về giáo dục đại học, đào tạo công nghệ thông tin của phía Bờ Biển Ngà; hợp tác văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân. Đề nghị hai bên nghiên cứu thúc đẩy hợp tác về các ngành công nghiệp như chế biến nông sản, thực phẩm, khai khoáng; khuyến khích hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, an ninh mạng, giao thông vận tải...

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Chính phủ và Quốc hội Bờ Biển Ngà thời gian qua đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Bờ Biển Ngà và công nhận hoạt động của Hội người Việt tại Bờ Biển Ngà; mong Quốc hội và Chính phủ Bờ Biển Ngà tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt để bà con yên tâm sinh sống, làm ăn và đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước.

Cũng trong ngày 14/6, Chủ tịch nước Võ Văn Thường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng tiếp Chủ tịch Quốc Cộng hòa Bờ Biển Ngà Adama Bictogo nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội tới Việt Nam.

Nguồn: TBKTVN