Châu Âu đã thực sự thoát khỏi khủng hoảng năng lượng?

Dòng chảy khí đốt Nga đi qua những đường ống khổng lồ dẫn tới châu Âu đã giảm xuống mức nhỏ giọt, đẩy giá bán buôn khí đốt ở khu vực tăng gấp hơn 10 lần so với trước đó một năm. Giá dầu thô cũng tăng cao và châu Âu đã tính tới kịch bản phải chia khẩu phần khí đốt kết hợp với cắt điện luận phiên trong mùa đông.

Hiện nay, nguồn cung năng lượng tới châu Âu đã đi theo một chiều hướng hoàn toàn khác, châu Âu đang có một dự trữ khí đốt dồi dào, chủ yếu đến từ Na Uy, từ các mỏ khí đá phiến ở bang Texas của Mỹ và từ đất nước vùng Vịnh Qatar. Giá khí đốt ở châu Âu đã giảm xuống dưới mức trước khi nổ ra chiến tranh và vẫn tiếp tục giảm gần như hàng ngày. Giá dầu nhìn chung đã ổn định. Châu Âu không còn bàn đến chuyện chia hạn mức tiêu thụ khí đốt nữa.

Nhưng chưa ai dám chắc cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã chấm dứt hoàn toàn và vĩnh viễn. Cũng không ai dám chắc các nước châu Âu có phải lặp lại những biện pháp quyết liệt của năm ngoái để có được sự an toàn năng lượng như hiện nay hay không? Đây là một câu hỏi lớn bởi năm ngoái, châu Âu không phải cạnh tranh đáng kể với Trung Quốc để mua LNG, vì Bắc Kinh khi đó còn đang theo đuổi chính sách Zero Covid khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu. Hiện nay, Trung Quốc đã mở cửa trở lại dẫn tới nhu cầu năng lượng hồi phục nhanh.

CHÂU ÂU ĐÃ VƯỢT QUA MÙA ĐÔNG NÀY MỘT CÁCH AN TOÀN
Đã có không ít ý kiến cho rằng châu Âu đang vui mừng quá sớm, rằng châu Âu đã gặp may trong mùa đông vừa rồi. Những người có quan điểm như vậy lo ngại trong những năm tới, khi nền kinh tế Trung Quốc nhập khẩu nhiều năng lượng hơn, châu Âu sẽ đối mặt với thử thách thực sự.

“Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, còn lâu mới thoát”, CEO Wael Sawan của hãng dầu lửa Shell, công ty năng lượng lớn nhất khu vực”, nhận định.

Giống như gọng kìm siết chặt cách đây một năm, tình trạng phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng Nga hiện đã được nới lỏng nhiều. Lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) đã không còn đáng kể, và khu vực cũng không gặp phải cú sốc nào kể từ khi áp lệnh cấm vận lên dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga.

“Trong một năm, châu Âu đã trở nên hoàn toàn độc lập khỏi nhà cung cấp năng lượng hóa thạch lớn nhất của mình”, Giám đốc Henning Gloystein của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định.

Giai đoạn lạnh nhất của mùa đông, khi tiêu thụ khí đốt thường tăng mạnh do nhu cầu sưởi ấm, đã qua đi mà không gây ra một “vết thương kinh tế” nghiêm trọng nào như dự báo trước đó. “Châu Âu có vẻ như đã ‘sống sót’ được qua mùa đông mà không rơi vào một cuộc suy thoái sâu. Vị thế của châu Âu hiện nay dường như tốt hơn nhiều so với thời điểm 6-9 tháng trước đây”, chiến lược gia trưởng Michael Stoppard của công ty tư vấn thị trường hàng hóa cơ bản S&P Global Commodity Insights nhận định.

So với cách đây mấy tháng, thị trường năng lượng thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng đã ổn định hơn, dù giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - vẫn đang cao hơn gấp đôi so với cách đây 2 năm. Tuy vậy, ở mức 50 EUR (53 USD)/megawatt giờ, giá khí đốt đã giảm 85% so với mức kỷ lục mọi thời đại 350 EUR/megawatt giờ thiết lập vào tháng 8 năm ngoái.

Châu Âu đã thực sự thoát khỏi khủng hoảng năng lượng? - Ảnh 1

 Giới phân tích cho rằng mức giá khí đốt hiện tại ở châu Âu có thể đã trở thành một dạng “bình thường mới”, phản ánh những yếu tố thực tế như việc châu Âu sẽ phải cạnh tranh với châu Á để mua LNG.

Dù hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng châu Âu vẫn còn cao so với bình thường, số tiền ghi trên hóa đơn có thể sớm giảm nhanh. Sau khi lập đỉnh vào mùa thu năm ngoái, lạm phát ở châu Âu cũng đang xuống thang, cùng với đó là các khoản chi của chính phủ để trợ cấp cho người dân trong “bão giá”. Nhà phân tích Martin Young của Ngân hàng Đầu tư Investec dự báo đến tháng 7 năm nay, mức trần cho hóa đơn năng lượng của hộ gia đình ở Anh sẽ giảm một nửa, còn bình quân 2.165 Bảng (2.585 USD)/hộ/năm.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã giảm về vùng trên 80 USD/thùng, từ mức khoảng 107 USD/thùng vào mùa hè năm ngoái. Dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga, đối tượng của lệnh cấm vận mà EU đưa ra, giờ đây chuyển hướng sang Ấn Độ, Trung Quốc và các thị trường khác. Để thay thế cho dầu Nga, các nước châu Âu tăng cường nhập dầu từ các nhà cung cấp ở Trung Đông, Mỹ Latinh và Mỹ.

Tuy nhiên, trong mùa đông tiếp theo, nếu thời tiết trở nên lạnh giá hơn và/hoặc Trung Quốc tăng tiêu thụ năng lượng, nguồn cung khí đốt toàn cầu có thể trở nên căng thẳng, khiến giá khí đốt tăng mạnh trở lại.

CÒN NHỮNG MÙA ĐÔNG TIẾP THEO?
“Nếu Trung Quốc tăng mua LNG, và nếu thời tiết lạnh hơn, thì châu Âu sẽ gặp rắc rối trong hai năm tới đây”, CEO Marco Alvera của TES - công ty đang có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ việc nhập khẩu khí đốt ở Wilhelmshaven thuộc phía Tây Bắc của nước Đức - nhận định. Về phần mình, Chính phủ Đức vẫn kêu gọi người dân cảnh giác và tiết kiệm năng lượng.

Các chuyên gia như ông Alvera cũng nói rằng châu Âu đã bỏ lỡ cơ hội để chiếm lĩnh nguồn cung khí đốt từ Mỹ bằng những hợp đồng dài hạn, mà một phần lý do nằm ở việc các nghị sỹ châu Âu không muốn làm suy yếu mục tiêu chống biến đổi khí hậu nhằm đạt được trạng thái trung tính carbon vào năm 2050. Ngoài ra, châu Âu chưa đạt được một chương trình như Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Joe Biden, chương trình cung cấp ưu đãi thuế quan trọng để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch. Châu Âu “còn nhiều việc phải làm” - ông Alvera nhấn mạnh.

Chưa kể, các cơ sở sản xuất khí đốt trên thế giới đều đang hoạt động gần như hết công suất, dẫn tới việc nguồn cung chỉ có thể tăng thêm rất ít trong 2 năm tới. “Bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường”, CEO Anders Opedal của công ty dầu lửa Equinor của Na Uy, nhận định. Năm ngoái, Na Uy đã thế chỗ Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của châu Âu.

Ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhận ra rằng quãng thời gian nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt Nga đã đặt họ một tình thế đầy nguy hiểm. Các chính phủ và doanh nghiệp ở châu Âu vì thế đã vội vã tìm kiếm các nguồn cung khí đốt mới dưới dạng LNG. Các nước châu Âu cũng gấp rút xây dựng hạ tầng để tiếp nhận LNG nhập khẩu.

Trước chiến tranh, Đức không có cảng LNG nào, nhưng hiện đã có 3 cảng được đưa vào hoạt động và dự kiến có thêm 3 cảng nữa trong năm nay. Tốc độ xây dựng các cảng LNG được đẩy nhanh với tốc độ không thể tin được. Hà Lan và các nước châu Âu khác cũng đã xây thêm hoặc mở rộng các cảng LNG sẵn có.

Người tiêu dùng châu Âu hưởng ứng tích cực lời kêu gọi của chính phủ về tiết kiệm khí đốt. Họ lắp đặt máy bơm nhiệt trong nhà để thay thế thiết bị sưởi chạy bằng khí đốt và chuẩn bị sẵn bếp củi. Một số nhà máy có mức tiêu thụ năng lượng cao như sản xuất phân bón, kính và thép cũng giảm hoạt động, góp phần giúp nhu cầu khí đốt của toàn khu vực giảm 14% trong năm ngoái - theo số liệu của công ty dịch vụ tài chính S&P Global. Nhưng vấn đề là việc cắt giảm nhu cầu khí đốt mạnh đến như vậy có duy trì vĩnh viễn được hay không.

Không thể không kể đến nỗ lực làm đầy dự trữ khí đốt của các nước châu Âu trước mùa đông. Ở Đức, nhiều kho dự trữ khí đốt thuộc sở hữu của công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom - đơn vị bị cáo buộc đã rút cạn dự trữ để khiến thị trường hoảng sợ, nhưng Chính phủ Đức đã giành quyền kiểm soát những kho dự trữ này và tiến hành lấp đầy.

Hiện tại, dự trữ khí đốt trên toàn EU đang ở mức hơn 60%, riêng ở Đức là hơn 70%. Mức dự trữ này cao hơn gấp đôi so với cách đây một năm, giúp thị trường giữ được sự ổn định. Qua mùa đông này, châu Âu có lẽ vẫn còn nhiều khí đốt hơn so với cùng thời điểm năm ngoái, và sẽ không cần phải mua nhiều khí đốt để dự trữ như năm ngoái. “Mùa đông tới có vẻ tình hình sẽ bớt căng thẳng hơn năm nay”, ông Stoppard phát biểu.

Nhưng còn về những mùa đông tiếp theo thì sao? Chỉ thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác.

Nguồn: TBKTVN