Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt lao dốc sau phát biểu "diều hâu" về lãi suất của Chủ tịch Fed
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (7/3), với chỉ số Dow Jones “bốc hơi” gần 600 điểm, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuyên bố lãi suất có thể phải tăng lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn so với dự kiến ban đầu. Tín hiệu cứng rắn này của ông Powell cũng gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường dầu thô, khiến giá “vàng đen” mất gần 3 USD/thùng.
Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 574,98 điểm, tương đương giảm 1,72%, so với mức chốt của phiên trước, còn 32.856,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,53%, còn 3.986,37 điểm, không giữ được mốc chủ chốt 4.000 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,25%, còn 11.530,33 điểm.
Cuộc điều trần được chờ đợi của ông Powell trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ đã làm thổi bùng lên nỗi lo rằng trong cuộc họp chính sách tiền tệ sắp diễn ra trong tháng 3 này, Fed có thể áp dụng bước nhảy lãi suất lớn hơn mức 0,25 điểm phần trăm của đợt tăng tháng 2. Cùng với sự bao phủ của sắc đỏ trên các bảng giá chứng khoán, trái phiếu kho bạc Mỹ cũng bị nhà đầu tư xả ồ ạt, khiến lợi suất của kỳ hạn 2 năm vọt lên 5%, cao nhất kể từ năm 2007.
Phiên giảm này khiến Dow Jones để mất hết thành quả tăng của năm 2023, hiện giảm khoảng 0,9% so với mức chốt của năm ngoái. S&P 500 và Nasdaq vẫn tăng khoảng 3,8% và 10,2% nếu tính từ đầu năm.
“Các dữ liệu kinh tế mới nhất đều mạnh hơn dự báo, cho thấy mức lãi suất cực đại của chu kỳ thắt chặt này có thể cao hơn so với dự báo trước đây”, ông Powell nói trong cuộc điều trần. “Nếu tổng quan dữ liệu cho thấy việc thắt chặt nhanh hơn nữa là cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng nâng tốc độ tăng lãi suất”.
Sau phát biểu của ông Powell, thị trường tăng mạnh mức đặt cược vào khả năng Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 21-22/3. Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho rằng việc bước nhảy lớn này có được áp dụng trở lại hay không sẽ tuỳ thuộc vào độ mạnh của các số liệu kinh tế sắp tới.
Phát biểu của ông Powell cũng đồng nghĩa rằng mức cực đại của lãi suất quỹ liên bang trong chu kỳ thắt chặt này có thể sẽ cao hơn so với dự kiến trước đây, mặc cho hy vọng của nhà đầu tư rằng Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất.
“Đây không phải là thông tin đáng ngạc nhiên hoàn toàn, nhưng là một lời nhắc nhở cứng rắn đối với thị trường sau một đợt tăng vừa qua. Ưu tiên chính của Fed vẫn là kéo lạm phát xuống. Mọi người đang bắt đầu tính đến sự dai dẳng của lạm phát cao, điều có thể trở thành kịch bản tồi tệ nhất cho các nhà đầu tư dài hạn”, nhà phân tích đầu tư Callie Cox của eToro nhận định với hãng tin CNBC.
Dẫn đầu phiên giảm này là cổ phiếu ngân hàng, khi nhà đầu tư lo sợ rằng lãi suất lên cao sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Wells Fargo sụt 4,7%; Bank of America, Goldman Sachs và JPMorgan Chase đồng loạt giảm khoảng 3% mỗi cổ phiếu.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn cũng bị bán mạnh, với Apple, Alphabet và Microsoft giảm ít nhất 1% mỗi cổ phiếu.
Phát biểu của ông Powell nâng tầm quan trọng của báo cáo việc làm tháng 2 mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào sáng ngày thứ Sáu tuần này. Nếu dữ liệu đó cho thấy thị trường việc làm tiếp tục thắt chặt, khả năng Fed nâng lãi suất lên cao hơn và lâu hơn sẽ càng lớn hơn. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo khu vực phi nông nghiệp trong nền kinh tế Mỹ có thêm 225.000 công việc mới trong tháng trước.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London sụt 2,89 USD/thùng, tương đương giảm 3,4%, chốt ở 83,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 2,88 USD/thùng, tương đương giảm 3,6%, chốt ở 77,58 USD/thùng.
Đây là phiên giảm giá mạnh nhất của cả hai loại dầu kể từ hôm 4/1.
Giá dầu phiên này đương đầu với áp lực giảm lớn từ những phát biểu cứng rắn của ông Powell. Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh sau khi Chủ tịch Fed đưa ra những phát biểu đó, gây thêm sức ép mất giá đối với dầu.
“Những gì ông Powell nói đã gây chao đảo trên khắp thị trường, đẩy cao tâm lý lo sợ rủi ro”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.
Đồng USD tăng giá hơn 1% so với các đồng tiền chủ chốt khác. “Mức tăng tròn 1 điểm phần trăm là lớn”, ông Kilduff nhận định về mức tăng này của đồng USD.
Số liệu cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong 2 tháng đầu năm, bao gồm nhập khẩu dầu thô giảm, cũng là một lý do khiến dầu giảm giá mạnh trong phiên này.
“Xét tới lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu, nhu cầu tại các thị trường này sẽ tiếp tục suy yếu, từ đó có thể dẫn tới giảm hoạt động sản xuất ở Trung Quốc”, kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu - chuyên gia Iris Pang của ING nhận định.
Tuy nhiên, các dự báo gần đây về sự thắt chặt của nguồn cung và sự gia tăng của nhu cầu vẫn hỗ trợ giá dầu. Một báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nói rằng sản lượng dầu thô và nhu cầu dầu thô của Mỹ sẽ tăng trong năm 2023. Tại một hội thảo của ngành dầu khí, CEO hãng dầu lửa Chevron, ông Mike Wirth, nói rằng thị trường dầu lửa toàn cầu đang ở tình thế dễ tổn thương trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung bất ngờ nào.
“Điều khó lường của năm 2023 sẽ là nguy cơ gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga”, nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank of Australia nhận định.
Nguồn: TBKTVN