Cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ và châu Âu chưa thể kết thúc
Thị trường tài chính toàn cầu đã “ăn mừng” khi đón nhận báo cáo lạm phát tháng 6 của Mỹ do Bộ Lao động nước này công bố ngày 12/7/2023. Tất cả các chỉ số trong báo cáo đều tăng ít hơn so với dự báo, làm dấy lên những tia hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có thể tính đến việc kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại châu Âu, lạm phát còn cao so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), song đã cải thiện nhiều so với kỷ lục thiết lập vào năm ngoái. Giá năng lượng đã giảm sâu từ mức cao nhất mọi thời đại, giúp cuộc chiến chống lạm phát của ECB bớt căng thẳng, nhưng các nhà hoạch chính sách tiền tệ của khu vực lo lạm phát sẽ bùng phát trở lại nếu họ từ bỏ việc tăng lãi suất quá sớm.
Theo báo cáo được Cục Thống kê thuộc Bộ Lao động Mỹ mới công bố, trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 3%, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và là một sự giảm tốc mạnh so với mức tăng 4% ghi nhận trong tháng 5. Nếu so với tháng trước, CPI chỉ tăng 0,2%.
MỸ: LẠM PHÁT GIẢM, SUY CƠ SUY THOÁI TĂNG
Các mức tăng theo năm và theo tháng này đều thấp hơn so với dự báo tăng tương ứng 3,1% và 0,3% mà giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tháng 6/2022, lạm phát ở Mỹ lập đỉnh 41 năm ở mức 9,1%.
Không tính giá thực phẩm và năng lượng - hai nhóm có nhiều biến động – thì CPI lõi tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn các con số dự báo tương ứng lần lượt là 5% và 0,3%. Ngoài ra, mức tăng CPI lõi cả năm là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.
Trong cuộc họp tháng 6 vừa qua, Fed dự báo sẽ tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong thời gian còn lại của năm nay. Tuy nhiên, với việc lạm phát giảm nhanh hơn kỳ vọng, thị trường đang nghiêng về khả năng là Fed chỉ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nữa trong tháng 7 là hoàn tất chu kỳ thắt chặt này.
Một câu hỏi quan trọng khác đặt ra là liệu bao giờ Fed sẽ chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ?
Theo quan điểm của một số chuyên gia, việc này thậm chí còn quan trọng hơn việc khi nào thì Fed dừng tăng lãi suất. Nếu nhìn sâu hơn vào bức tranh lạm phát, có thể nhận thấy rằng Fed rất có thể phải duy trì lãi suất ở vùng đỉnh trong một thời gian lâu dài, vì lạm phát lõi vẫn đang là 4,8%, cao gấp hơn hai lần so với mức mục tiêu 2% của Fed. Đầu năm nay, thị trường tài chính đã kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất vào cuối năm, nhưng giờ đây, kỳ vọng này đã bị đẩy sang nửa sau của năm 2023.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, các dự báo cho rằng kinh tế Mỹ sắp rơi vào một cuộc suy thoái đang rộ lên. Cơ sở của các dự báo này là nhiều bộ phận của nền kinh tế đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt sau 10 đợt tăng lãi suất liên tiếp của Fed: số công việc mới trong tháng 6 ít hơn so với dự báo; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của cả ngành sản xuất và dịch vụ đều suy yếu; lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến cũng không nằm ngoài xu hướng dữ liệu này.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter mới đây, nhà đầu tư trái phiếu nổi tiếng Bill Gross của Công ty Pimco nhận định: sở dĩ kinh tế Mỹ đến thời điểm này còn chưa suy thoái chẳng qua là bởi người tiêu dùng Mỹ vẫn còn trong tay số tiền tiết kiệm dôi dư khoảng 500 tỷ USD - số tiền mà họ tích lũy được nhờ tiền hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian đại dịch. Đến cuối năm nay, khi người Mỹ đã tiêu hết số tiền dôi dư đó, tiêu dùng sẽ tụt dốc và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái. “Câu hỏi đặt ra là: Khi nào số tiền 500 tỷ USD đó sẽ hết? Tôi cho là vào khoảng quý 4 năm nay”, ông Gross nói.
Một kịch bản xấu được giới chuyên gia đặt ra là khi kinh tế Mỹ đã suy thoái rồi mà lạm phát vẫn chưa về sát với mục tiêu thì sẽ ra sao. Tình huống đó sẽ khiến Fed “tiến thoái lưỡng nan”: nếu hạ lãi suất để chống lạm phát thì lạm phát có thể “bốc đầu” trở lại, trong khi việc giữ chính sách thắt chặt để chống lạm phát có thể bóp nghẹt tăng trưởng. Bởi vậy, kịch bản lạc quan đối với Fed là suy thoái sẽ không xảy ra quá sớm trước khi lạm phát được khống chế và suy thoái sẽ không sâu tới mức đòi hỏi việc cắt giảm lãi suất mạnh tay.
Ở một góc nhìn bi quan, ông Kokou Agbo-Bloua, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Societe General, cho rằng cuộc chiến chống lạm phát của Fed mới kết thúc được phần đầu.
CHÂU ÂU: CÒN QUÁ SỚM ĐỂ NÓI TỚI DỪNG TĂNG LÃI SUẤT
Trong tháng 6, lạm phát ở châu Âu đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Giá tiêu dùng ở khu vực 20 nước sử dụng đồng Euro tăng 5,5% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu chính thức từ cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU). Mức tăng này đã giảm từ mức tăng 6,1% ghi nhận trong tháng 5 và thấp hơn mức dự báo tăng 5,6% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Tháng 10 năm ngoái, lạm phát ở khu vực này lập kỷ lục ở mức 10,6%.
Tuy nhiên, giới chuyên gia và cả các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều cho rằng giờ chưa phải là lúc mà ECB có thể nghĩ tới việc dừng cuộc chiến chống lạm phát. Đó là bởi lạm phát lõi đang có dấu hiệu tăng tốc trở lại. Dù lạm phát toàn phần giảm, tốc độ lạm phát lõi ở khu vực Eurozone trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước là 5,4%, so với mức 5,3% ghi nhận trong tháng 5. Giá khí đốt ở châu Âu hiện đã giảm hơn 90% so với mức kỷ lục thiết lập vào mùa hè năm ngoái, nhưng lạm phát ở khu vực dịch vụ giảm rất chậm.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Bloomberg.
Nhà kinh tế cấp cao Jack Allen-Reynolds của Công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định rằng ECB chưa thể dừng tăng lãi suất và ít nhất sẽ phải tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7. “Với áp lực giá cả còn duy trì, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng ECB sẽ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp tháng 9”, ông Allen-Reynolds nói.
Trung tuần tháng 6, ECB nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 3,5%, cao nhất trong 22 năm. Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde, nói rằng các nhà hoạch định chính sách “vẫn còn chặng đường dài phải đi” và “rất có khả năng” họ sẽ có thêm một động thái thắt chặt nữa tại cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo vào ngày 27/7, trừ phi có “sự thay đổi lớn” trong các số liệu kinh tế.
ECB cho rằng tiền lương tăng có nguy cơ dẫn đến giá cả cao hơn và lặp lại cảnh báo rằng họ dự kiến lạm phát sẽ “duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài”, thậm chí đến năm 2025 cũng chưa giảm về mục tiêu 2%.
Tăng trưởng kinh tế Eurozone vẫn còn yếu sau khi rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật trong quý 1 năm nay, mặc dù đã chứng tỏ được sự vững vàng hơn so với lo ngại ban đầu sau khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ. Sau lần họp vừa rồi, ECB giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone, cho rằng khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng 0,9% trong năm nay; 1,5% trong năm 2024 và 1,6% vào năm 2025.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Carsten Brzeski của Ngân hàng ING nhận định ECB dự báo như vậy là quá lạc quan. Ông Brzeski cho rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay trong khi kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn yếu kém, gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu của khu vực Eurozone.
Nhưng tăng trưởng kinh tế yếu ớt dường như không khiến ECB giảm quyết tâm trong nhiệm vụ chống lạm phát. Giới chức ECB đã nói rõ rằng họ chấp nhận cái giá phải trả trong cuộc chiến này, bởi việc để cho lạm phát cao dai dẳng sẽ gây ra những hệ quả khó lường trong dài hạn đối với nền kinh tế khu vực.
Nguồn: TBKTVN