Kiểm soát chất lượng mật ong là yêu cầu “sống còn” để giữ thị trường xuất khẩu

Tại tọa đàm trực tuyến “Phổ biến và giải đáp những  quy định mới của pháp luật về thú y”, chiều 14/8/2023, ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam, cho biết việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam đã tác động làm suy giảm xuất khẩu mật ong sang thị trường này. Các năm trước, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được 56 triệu lít mật ong, thì năm 2022 chỉ xuất khẩu được sang thị trường này 16 triệu lít mật ong sang thị trường này.

MẤT NHIỀU THỊ PHẦN TẠI MỸ
Trong nửa đầu năm 2023, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 9 triệu lít mật ong sang thị trường Mỹ. Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 7 về xuất khẩu mật ong vào Mỹ so với vị trí thứ 2 của năm 2021. Nếu như năm 2021, mật ong Việt Nam chiếm 6% trong tổng thị phần nhập khẩu mật ong của Mỹ, thì đến năm 2022, Việt Nam chỉ còn chiếm được 3,6% thị phần nhập khẩu mật ong của Mỹ.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào Mỹ sụt giảm là do tác động bởi thông tin về mức thuế chống bán phá giá. Vào tháng 11/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố áp thuế chống bán phá giá lên hơn 400% đối với mật ong Việt Nam.

Để áp thuế chống bán phá giá cao, DOC căn cứ vào số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ: Năm 2021, giá xuất khẩu bình quân mật ong của Việt Nam vào Mỹ đạt 1.243 USD/tấn, thấp hơn 422 USD/tấn so với Ấn Độ và thấp hơn 1.935 - 2.011 USD/tấn so với mật ong Agrentina và Brazil.

Mức thuế chống bán phá giá cao gấp 4 lần giá xuất khẩu mật ong, đã khiến xuất khẩu mật ong sang Mỹ hoàn toàn ngưng trệ trong thời gian từ tháng 2 đếntháng 4/2022, suốt trong những tháng này không có bất cứ một lô hàng mật ong nào từ Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ.

Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn từ người nuôi ong, ngành sản xuất và cả doanh nghiệp xuất khẩu mật ong, các doanh nghiệp ngành mật ong của Việt Nam kỳ vọng sẽ có thể được giảm thuế tiếp trong thời gian tới. Các doanh nghiệp và Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt, khai thác lợi ích các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tham gia.

Đến tháng 4/2022, DOC đã cho thuế chống bán phá giá dành cho các doanh nghiệp Việt Nam giảm rất mạnh, từ mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74% - 61,27%. Từ sau khi bị áp mức thuế mới, mật ong của Việt Nam đã xuất khẩu trở lại vào thị trường Mỹ, những vẫn giảm tới 70% về khối lượng.

Thời gian qua, các nhà nhập khẩu mật ong tại Mỹ đã tìm cách đa dạng nguồn cung cấp và giảm nhập khẩu từ một số thị trường đang có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, đã khiến thị phần mật ong bị sụt giảm rất nhiều.

Theo ông Đinh Quyết Tâm, những năm trước, thị trường Mỹ luôn chiếm 90% trong tổng lượng mật ong xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đến năm 2022, thị trường Mỹ chỉ còn chiếm 45% thị phần xuất khẩu mật ong của Việt Nam.

Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường EU đạt hơn 10 triệu lít trong năm 2022, chiếm 27-28%; xuất khẩu sang thị trường Anh đạt hơn 3,2 triệu lít chiếm 9%; xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan, Thái Lan. Indonesia, Nhật Bản chiếm 19%.

Hiện tại, Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam vẫn đang tiếp tục cùng các bộ, ngành và các doanh nghiệp xuất khẩu trao đổi với các cơ quan của Mỹ ở các giai đoạn tiếp theo (đánh giá thiệt hại, rà soát thuế chống bán phá giá...) nhằm hỗ trợ ngành mật ong Việt Nam được đối xử công bằng theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG MẬT ONG
Ông Đinh Quyết Tâm cho biết hiện Việt Nam có gần 40.000 hộ gia đình sinh sống bằng nghề nuôi ong, cùng hàng trăm công ty chế biến, kinh doanh và xuất khẩu. Có tới 90% sản lượng mật ong thu hoạch dành để xuất khẩu, vì vậy những diễn biến từ thị trường Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành mật ong của Việt Nam.

Hiện sản phẩm Mật ong Việt Nam đang từng bước giành lại thị trường ở EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy mật ong Việt đáp ứng các yêu cầu từ các thị trường khó tính nhất, từ truy xuất nguồn gốc đến quản lý hồ sơ lây bệnh.

Tuy vậy, theo ông Tâm, bên cạnh thiệt hại do chống bán phá giá, thì việc kiểm soát chất lượng mật ong đang là nỗi lo. Trong khi, tình trạng dư lượng kháng sinh và hóa chất đã được giải quyết, thì hiện nay lại nổi lên tình trạng đưa mật ong giả (mật làm từ mía) đem trộn với mật ong thật.

"Nếu vấn đề này không được các cơ quan chức năng ngăn chặn, nguy cơ sẽ trà trộn vào hàng xuất khẩu, sẽ tạo ra hệ lụy khó lường, nguy cơ bị các nước “đóng cửa” với  mật ong Việt Nam", ông Tâm cảnh báo.  

Tại tọa đàm, bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y), thông tin về những điểm mới của Thông tư số 15/2022/TT-BNNPTNT quy định về việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh mật ong, có hiệu lực thi hành kể từ 1/2023.

Theo đó, Thông tư này quy định việc kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo bà Bình, nội dung chính của thông tư tập trung tại Điều 7 (kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất mật ong xuất khẩu); Điều 9 (nội dung chương trình giám sát); Điều 10 (quy định lấy mẫu và phân tích mẫu giám sát); Điều 11 (xử lý mẫu không bảo đảm vệ sinh thú ý và an toàn thực phẩm trong quá trình thực hiện Chương trình giám sát); Điều 12. (sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong nuôi ong); từ điều 13-17 quy định trách nhiệm của của Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nuôi ong Việt Nam, phòng thử nghiệm, cơ sở nuôi ong, thu mua và chế biến mật ong.

Về vấn đề nuôi ong, các nhiệm vụ đã phân cấp về địa phương. Trình tự, kiểm dịch sản phẩm sử dụng trong nước cũng như xuất khẩu đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Về những nội dung liên quan đến tỷ lệ pha trộn như Hội Nuôi ong Việt Nam phản ánh, đại diện Cục Thú y cam kết cần trao đổi thêm theo định hướng đảm bảo, nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng thị trường.

Nguồn: TBKTVN