Mỹ sắp siết chặt hơn nữa việc bán chip cho Trung Quốc?

Mỹ sẽ triển khai các biện pháp nhằm ngăn các nhà sản xuất chip của nước này “lách” hạn chế để bán sản phẩm cho Trung Quốc - nguồn tin là một quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters. Đây sẽ là một phần trong những nỗ lực tiếp theo của chính quyền Tổng thống Joe Biden siết chặt hơn nữa việc xuất khẩu con chip phục vụ cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Reuters cho biết các quy định mới mà Mỹ đang vạch ra sẽ bổ sung vào các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt đối với việc bán các sản phẩm chip và trang thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc mà Washington công bố vào tháng 10 năm ngoái. Việc tăng cường hạn chế dự kiến sẽ công bố trong tuần này, nhưng kế hoạch cũng có thể lùi lại - nguồn tin cho hay.

Nguồn tin đề nghị không tiết lộ danh tính nói rằng quy định mới sẽ cấm việc bán cho Trung Quốc một số chip AI hiện còn đang nằm ngoài giới hạn kỹ thuật bị cấm, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo việc xuất khẩu một các loại chip AI khác.

Việc Mỹ tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip đối với Trung Quốc diễn ra đồng thời với nỗ lực của Washington nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong những tháng gần đây, một số quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden đã có các cuộc gặp gỡ với đối tác Trung Quốc. Những quy định mới mà Mỹ dự kiến đưa ra có thể khiến cho các nỗ lực ngoại giao này gặp trở ngại.

Chính quyền ông Biden đã nói rằng việc họ áp hạn chế xuất khẩu công nghệ đối với Trung Quốc là không để cho con chip và trang thiết bị của Mỹ được dùng vào việc gia tăng sức mạnh cho quân đội Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ lạm dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu để kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp Trung Quốc. Việc Mỹ đưa ra hạn chế xuất khẩu công nghệ đối với Trung Quốc được coi là một sự dịch chuyển lịch sử trong chính sách công nghệ Mỹ-Trung.

Năm ngoái, hạn chế của Chính phủ Mỹ khiến Nvidia - hãng chip có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất thế giới - không thể bán hai trong số các loại chip AI hiện đại nhất của hãng cho khách hàng Trung Quốc. Đây là những con chip đã trở thành tiêu chuẩn ngành cho việc phát triển chatbot và các hệ thống AI khác.

Nhưng không lâu sau đó, Nvidia tung ra những biến thể chip khác cho thị trường Trung Quốc, với mức độ tiên tiến thấp hơn do đó tránh được sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Một loại chip như vậy có tên H800 sở hữu năng lực điện toán có thể đáp ứng được công nghệ AI, tương tự như loại chip mạnh hơn H100 của Nvidia - loại chịu sự kiểm soát xuất khẩu. Dù vậy, một số khía cạnh hiệu năng chủ chốt của chip H800 vẫn bị hạn chế, theo tài liệu về thông số kỹ thuật của loại chip này mà Reuters thu thập được.

Nguồn tin là quan chức Mỹ nói rằng kế hoạch sắp công bố nhằm hạn chế việc bán cho Trung Quốc một số chip AI dành cho trung tâm dữ liệu hiện nay chưa thuộc diện bị cấm. Dù nguồn tin này không nói rõ những con chip nào sẽ bị cấm bán cho Trung Quốc theo quy định mới, nhiều nguồn tin khác đã nói rằng chip H800 của Nvidia là con chip mà chính quyền Tổng thống Biden muốn đưa vào diện hạn chế.

Cũng theo nguồn tin là quan chức Mỹ, những con chip dùng cho các sản phẩm hàng điện tử tiêu dùng như laptop sẽ không bị đưa vào quy định hạn chế mới. Tuy nhiên, các công ty sẽ phải báo cáo với Bộ Thương mại Mỹ khi bán cho Trung Quốc những con chip mạnh nhất dùng cho thiết bị điện tử tiêu dùng, nhằm đảm bảo rằng những con chip đó không được sử dụng theo những cách thức có thể đe doạ an ninh quốc gia Mỹ.

Nhằm không để Trung Quốc mua được những con chip AI mà Mỹ cho là quá mạnh, vị quan chức cho biết Mỹ dự định sẽ loại bỏ một trong các giới hạn - là giới hạn băng thông (bandwith parameter) - mà Mỹ đang sử dụng để hạn chế xuất khẩu một số con chip AI cơ sở dữ liệu nhất định. Bằng cách loại bỏ giới hạn này, một quy định mới sẽ có hiệu lực, mở rộng phạm vi những con chip bị hạn chế xuất khẩu. Điều này có nghĩa là tốc độ mà các con chip AI “nói” với nhau sẽ giảm xuống.

Đây là một vấn đề quan trọng vì việc đào tạo các mô hình AI lớn là điều không thể đối với một con chip và đòi hỏi nhiều con chip được kết nối với nhau. Nếu một con chip trong số đó giảm tốc độ giao tiếp, việc phát triển AI sẽ trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch đưa ra một giới hạn “mật độ hiệu suất” nhằm ngăn khả năng các quy định mới bị “lách” trong tương lai - vị quan chức tiết lộ nhưng không cho biết cụ thể hơn.

Như đã đề cập ở trên, quy định mới mà Mỹ dựa kiến đưa ra cũng bao trùm tất cả các loại chip AI trong quá trình đi lên của công nghệ. Mỹ sẽ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo Chính phủ về việc bán cho Trung Quốc những con chip ở dưới ngưỡng hạn chế. Chính phủ Mỹ sẽ quyết định theo từng trường hợp xem liệu việc bán con chip đó có đặt ra rủi ro an ninh quốc gia đối với Mỹ hay công, nếu câu trả lời là không, lô hàng mới được vận chuyển để giao cho khách mua Trung Quốc.

Theo Reuters, việc cập nhật quy định này cũng có thể đóng một lỗ hổng đang tồn tại cho phép các công ty Trung Quốc tiếp cận với chip AI Mỹ thông qua các chi nhánh đặt ở nước ngoài.

Nguồn: TBKTVN