Nhận diện thực trạng của khoa học và công nghệ

Khoa học và công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số đóng một vai trò quan trọng để vượt lên và tác động sâu rộng hơn đối với kinh tế - xã hội.

VAI TRÒ CỦA KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ 

Có vốn, có lao động sẽ có tăng trưởng. Nhưng đó là mô hình tăng trưởng kiểu cũ, bởi hai lý do.

Một, vốn và lao động bị giới hạn về nguồn.  Tích lũy là tiền đề của đầu tư; đầu tư là yếu tố vật chất quyết định trực tiếp tốc độ tăng trưởng. Nhưng tích lũy còn thấp hơn đầu tư, trong khi ngân sách liên tục bội chi, nên phải vay trong nước và nước ngoài để đầu tư. Số lượng lao động cách đây mấy thập kỷ có tốc độ tăng khá cao (trên dưới 3%); sau đó giảm còn trên dưới 2% và từ mấy năm nay còn thấp hơn nữa, trên dưới 1%.

Nhận diện thực trạng của khoa học và công nghệ - Ảnh 1

Hiện nay, số người đi làm việc theo hợp đồng dài hạn ở nước ngoài hàng năm lên đến hàng vạn người, nhưng có thể cũng giống như các nước đang nhập khẩu lao động của Việt Nam sẽ phải nhập khẩu lao động. Nguyên nhân có một phần do nhu cầu về lao động việc làm để đáp ứng sự phát triển của đất nước tăng; có một phần do “cơ cấu dân số vàng” qua nhanh, “cơ cấu dân số già” đến nhanh, khi tỷ suất sinh, tỷ lệ tăng tự nhiên giảm, tuổi thọ tăng.

Hai, nếu chỉ dựa vào sự tăng vốn, tăng số lượng lao động mà hiệu quả đầu tư, năng suất lao động tăng thấp, thì có những hiệu ứng phụ về lạm phát, nợ công, nợ nước ngoài, nợ xấu, cán cân thanh toán bị thiếu.

Tăng trưởng về tốc độ (số lượng) là quan trọng, nhưng chất lượng tăng trưởng còn quan trọng hơn, không chỉ làm cho tốc độ tăng trưởng được duy trì, còn tăng cao hơn và bền vững hơn. Đã đến lúc phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới: đạt được mục tiêu không phải chỉ tăng cao trong ngày hôm nay, mà ở sự bền vững của tốc độ tăng trong tương lai.

Muốn đạt được chất lượng tăng trưởng cao, phải nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, tăng sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đối với tốc độ tăng GDP.

Hiệu quả đầu tư được thể hiện ở hệ số ICOR. Hệ số này được tính bằng cách chia mức tăng GDP (tính theo giá so sánh) cho tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (tính theo giá so sánh). ICOR biểu hiện để tăng 1 đồng GDP (giá so sánh) phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Theo đó, ICOR tăng và cao thì hiệu quả đầu tư giảm và thấp, ICOR giảm và thấp thì hiệu quả đầu tư tăng và cao. Để hiệu quả đầu tư cao thì phải làm tốt công tác quy hoạch, tránh dàn trải, thi công nhanh, giảm thiểu lãng phí, thất thoát…

Năng suất lao động tính bằng GDP chia cho số lao động đang làm việc bình quân trong năm. Tổng cục Thống kê hiện nay tính GDP theo giá thực tế; mà năng suất lao động tính theo giá thực tế chủ yếu có ý nghĩa là so sánh giữa các ngành, các tỉnh/thành phố hoặc tính đổi thành GDP; nhưng không công bố tốc độ tăng qua các năm để so sánh giữa các năm. Tốc độ tăng và mức năng suất lao động phụ thuộc vào chuyển dịch cơ cấu lao động giữa các ngành (từ ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao), tỷ lệ lao động qua đào tạo, thiết bị kỹ thuật – công nghệ cao.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp ngày một lớn vào tốc độ tăng GDP, từ mức dưới 30% cách đây một thập kỷ nay đã vượt qua mức 40%, đang phấn đấu với mục tiêu 45% vào năm 2025 – tức là lớn nhất trong 3 yếu tố (tăng vốn đầu tư, tăng số lượng lao động đang làm việc và TFP).

HIỆN TRẠNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ 

Hình 1 cho thấy tỷ trọng của khoa học và công nghệ trong GDP ở mức khá thấp (chỉ trên dưới 2,5%); nếu loại trừ ngành chuyên môn thì còn thấp hơn (tỷ trọng của ngành này thấp thứ 13 trong 20 ngành cấp II). Tốc độ tăng của ngành này nhìn chung thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của cả nước (hình 2).

Trừ hai năm (2020, 2021) tốc độ tăng của ngành này cao hơn tốc độ tăng chung của của toàn bộ nền kinh tế, còn một số năm tăng thấp hơn (như 2018 là 6,8% so với 7,47%; 2019 là 6,71% so với 7,36%; 2022 là 6,21% so với 8,02%).

Một số chỉ tiêu về khoa học trong những năm gần đây cho thấy cụ thể hơn về hiện trạng hoạt động khoa học ở Việt Nam.

Số người hoạt động nghiên cứu khoa học qua một số năm gần đây như sau (hình 3).

Số người hoạt động nghiên cứu khoa học đã liên tục tăng lên qua các năm (năm 2021 chiếm khoảng gần 0,32% tổng số lao động đang làm việc). “Mật độ” tính trên 1.000 dân đang làm việc là cứ 1.000 người mới có 3 người là thấp; chỉ bằng khoảng 2,7% tổng số lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc cao - tức là cứ 100 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao thì chỉ có 2,7 người nghiên cứu khoa học. Đây là một “mật độ” quá thấp.

Cơ cấu người nghiên cứu khoa học theo khu vực hoạt động trong mấy năm gần đây như sau (hình 4).

Theo khu vực hoạt động khoa học, có thể nhận diện trên một số mặt như sau.

Một, cơ sở giáo dục, đại học, cao đẳng chiếm tỷ trọng cao nhất, lớn hơn bốn khu vực khác cộng lại. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của khu vực giáo dục, đại học, cao đẳng; đồng thời cũng đặt ra vấn đề kết nối giữa các cơ sở của khu vực này với các cơ sở có nhu cầu nghiên cứu, sử dụng (như cơ quan hành chính, dịch vụ sự nghiệp khác, tổ chức ngoài nhà nước, doanh nghiệp) cần có sự kết nối chặt chẽ hơn.

Tiếp đến là tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tổ chức ngoài nhà nước, doanh nghiệp, cơ quan hành chính, dịch vụ sự nghiệp,…

Hai, trừ tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ có tỷ trọng giảm, còn các khu vực còn lại có tỷ trọng tăng.

Cơ cấu số người hoạt động nghiên cứu khoa học theo khu vực khoa học - công nghệ trong mấy năm gần đây như sau (hình 5).

Từ cơ cấu theo khu vực khoa học - công nghệ, có thể nhận diện trên một số mặt như sau:

Một, tỷ trọng cao nhất thuộc về khoa học kỹ thuật và công nghệ là rất cần thiết và là thông số chung của các nước phát triển.

Hai, đối với một nước có nền kinh tế chuyển đổi với một trong ba đột phá chiến lược (là thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng), thì khoa học xã hội chiếm tỷ trọng lớn thứ hai cũng là rất cần thiết. Vấn đề đặt ra là về một số vấn đề hoặc là trọng tâm, hoặc là thời sự được tập trung nghiên cứu làm rõ, như “tư sản anh là ai” khi loại hình kinh tế thì có kinh tế tư bản, kinh tế tư nhân, nhưng về giai cấp lại chẳng định rõ; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiêu chí của nước công nghiệp; tiêu chí nào là công nghiệp theo xu hướng hiện đại, tiêu chí nào là công nghiệp hiện đại?

Ba, một số khu vực có tỷ trọng theo xu hướng tăng là hợp lý, nhưng có một số khu vực có tỷ trọng theo xu hướng giảm cần được xem xét, như khoa học nhân văn giảm nhanh trong khi về khâu này có mặt xuống cấp; khu vực khoa học tự nhiên có tính nghiên cứu cơ bản cũng bị giảm, phải chăng ít gắn với kinh tế trong cơ chế thị trường.

Về cơ cấu người hoạt động nghiên cứu khoa học theo trình độ chuyên môn: số người nghiên cứu có trình độ đại học chiếm tỷ trọng cao nhất là 51,1% trong năm 2015, nhưng đến năm 2021 đã giảm xuống còn 36,9%. Số người có trình độ thạc sĩ đã vượt lên đứng thứ nhất vào năm 2021 (42%) và trở thành lực lượng đông đảo nhất.

Về số tiền chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học- công nghệ: theo thống kê, tuy tỷ trọng chi trong GDP đã tăng lên qua các năm (năm 2015 đạt 0,36%; 2017 đạt 0,41%; 2019 đạt 0,42%; 2021 đạt 0,43%), nhưng vẫn còn rất thấp, bởi chu kỳ đổi mới kỹ thuật- công nghệ- ứng với chu kỳ khủng hoảng kinh tế của các nước công nghiệp phát triển khoảng 10 năm, tức là mỗi năm phải khấu hao để đổi mới tài sản cố định khoảng 10%.

Về cơ cấu chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học- công nghệ: tỷ trọng chi từ ngân sách nhà nước còn thấp và có xu hướng giảm. Nếu như năm 2015 con số này là 33% thì tới năm 2011 giảm còn 30,9%. So với tổng chi ngân sách năm 2015 chỉ đạt 0,48%, năm 2021 tăng lên cũng chỉ đạt 0,6%.

Về cơ cấu chi cho nghiên cứu phát triển khoa học - công nghệ theo lĩnh vực: khoa học kỹ thuật và công nghệ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất so với các lĩnh vực khác và tiếp tục tăng (71,8% trong năm 2015; tăng lên 75,4% trong 2021). Chi cho khoa học tự nhiên chiếm 5% trong năm 2015; giảm còn 3,4% năm 2021. Chi cho khoa học xã hội tăng nhưng tỷ trọng còn nhỏ (năm 2015 là 11,4%; 2021: 13,1%). Các lĩnh vực khác đều chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm. Thấp nhất là khoa học nhân văn với tỷ trọng chỉ 0,8% trong năm 2015 và giảm còn 0,5% trong 2021.

Về cơ cấu chi theo khu vực hoạt động: chi cho khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng lên (năm 2015 là 63,6%; năm 2021 là 76%). Điều đó thể hiện vai trò nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời đây là quyền lợi trực tiếp của các doanh nghiệp. Tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ có tỷ trọng cao thứ hai (năm 2015 là 25,8%; năm 2021 là 14,8%).  Các khu vực khác chiếm tỷ trọng còn nhỏ và giảm. Thấp nhất là khu vực cơ quan hành chính, dịch vụ sự nghiệp (năm 2015 là 1,5%; năm 2021 còn 1,4%)...

Nguồn: TBKTVN