Đề nghị Bộ Thương mại Mỹ đánh giá khách quan, công bằng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam
Những quan ngại của Việt Nam liên quan đến hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ và tần suất các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này đã được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu trong buổi tiếp Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ (DOC) Marisa Largo.
Chuyến công tác Việt Nam của Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ (2013 – 2023), giúp củng cố mối quan hệ song phương, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại giữa hai nước.
Thương mại song phương Việt - Mỹ đã đạt thành tựu nổi bật trong hợp tác thương mại thời gian qua, với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt hơn 123 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Mỹ tăng trưởng mạnh, lần đầu tiên đạt gần 110 tỷ USD, qua đó đóng góp tích cực vào quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ.
Thành tựu trên đạt được là nhờ sự chủ động, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ hai nước và sự phối hợp tích cực, triển khai có hiệu quả của các cơ quan hữu quan Việt - Mỹ, trong đó có DOC trong việc thúc đẩy mở cửa thị trường, giải quyết những vấn đề, vướng mắc trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Bày tỏ quan ngại của Việt Nam liên quan đến những hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ và tần suất các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam,đồng thời với mong muốn tiếp tục được tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị DOC trao đổi thêm với các Cơ quan liên quan của Mỹ nhằm có đánh giá khách quan, công bằng và phù hợp với thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thống kê, tính đến tháng 10/2022, hàng hóa Việt Nam là “đối tượng” của 224 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường nước ngoài; riêng 11 tháng của năm 2022, có 16 vụ việc.
Trong đó, Mỹ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (43 vụ), tiếp đến là ASEAN (42 vụ), Ấn Độ (29 vụ)...
Bên cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng “sạch và bền vững”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Marisa Largo cũng trao đổi về hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), quá trình thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), hợp tác năng lượng, chuyển đổi số…
Hai bên nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của thúc đẩy thương mại tự do, mở, công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm tại khu vực, trong đó các nước ASEAN giữ vai trò trung tâm.
Thứ trưởng Marisa Largo nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong tiến trình liên kết kinh tế khu vực thời gian qua; đồng thời cho biết, Mỹ sẽ ưu tiên thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác nhằm xây dựng hệ sinh thái kinh tế, đầu tư hiệu quả và bền vững, qua đó tạo động lực mới cho phát triển của kinh tế khu vực.
Nguồn: Báo Đầu tư