TP.HCM: Giá thuê nhà phố tăng, sức cầu “ảm đạm”
Theo báo cáo thị trường quý 1/2023 của Batdongsan.com.vn, mức giá thuê mặt bằng nhà phố tại TP.HCM đang ghi nhận mức tăng trưởng tương đối.
Dù vậy, thực tế cho thấy mặt bằng nhà phố tại Thành phố đang rơi vào tình trạng ế ẩm hàng loạt. Nhiều mặt bằng nằm ở vị trí đắc địa thậm chí còn bỏ hoang nhiều năm dẫn đến cơ sở vật chất xuống cấp.
MẶT BẰNG CHO THUÊ Ế ẨM
Báo cáo của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá thuê mặt bằng nhà phố TP.HCM cụ thể tại quận 1 tăng 17%, quận 3 tăng 13%, quận Phú Nhuận tăng 9%, quận 7 tăng 11% và quận 2 tăng 2% chỉ sau 3 tháng. Duy nhất giá thuê mặt bằng nhà phố tại quận 9 (Thành phố Thủ Đức) vẫn giữ nguyên trong khoảng thời gian này.
Trái ngược với diễn biến giá thuê, mức độ quan tâm nhà phố tại TP.HCM lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Đáng chú ý, mặt bằng nhà phố tại quận 1 - trung tâm Thành phố được ghi nhận mức độ quan tâm giảm tới 40%, còn các quận khác như Phú Nhuận, quận 7 và quận 9 thậm chí còn giảm hơn 50%.
Mức độ quan tâm nhà phố tại TP.HCM giảm mạnh trong khi giá thuê vẫn theo đà tăng. Nguồn: Batdongsan.com.vn.
Trong khi đó, theo khảo sát về mức giá thuê tại các trung tâm thương mại của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại TP.HCM giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại trong khu vực trung tâm khoảng 130 USD/m2/tháng, ngoài khu vực trung tâm khoảng hơn 40 USD/m2/tháng.
Lý giải về mức độ quan tâm đến giá thuê nhà phố và trung tâm thương mại, VARS cho biết xu hướng mua sắm online ảnh hưởng ít nhiều tới quá trình hồi phục thị trường cho thuê bất động sản để kinh doanh, mua bán. Tuy nhiên, lượng khách hàng có nhu cầu đến tận nơi, trải nghiệm, xem thử sản phẩm trước khi xuống tiền, đặc biệt với những sản phẩm giá trị cao vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận về sự phục hồi thị trường bất động sản cho thuê, Batdongsan.com.vn nhận định, lợi suất cho thuê tại TP.HCM đang hồi phục tốt hơn thị trường Hà Nội. Cụ thể, lợi suất cho thuê quý 1 năm nay tại TP.HCM hiện đã đạt 3%, gần bằng mức 3,1% năm 2019 vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Mặt khác, lợi suất cho thuê nhà phố tại Hà Nội chỉ mới đạt 2,6%, trong khi năm 2019, lợi suất cho thuê tại thị trường này ghi nhận ở mức 3,2%.
GIAO DỊCH ĐẤT NỀN PHÍA NAM GIẢM
Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đến đất nền tại TP.HCM tiếp tục sụt giảm mạnh trong quý đầu năm nay. Cụ thể, mức độ quan tâm đến đất nền tại quận 12 giảm 34%, quận 9 giảm 29%, Thành phố Thủ Đức giảm 26%, các huyện như Nhà Bè giảm 37%, Bình Chánh giảm 34%, Hóc Môn giảm 25% và Củ Chi giảm 15% so với quý trước đó.
Mặc dù nhu cầu mua đất nền tại TP.HCM có xu hướng giảm mạnh, nhưng báo cáo thị trường đất nền TP.HCM và vùng phụ cận của DKRA Group trong quý 1, cho thấy, mặt bằng giá rao bán tại các khu vực TP.HCM không giảm nhiều, gần như đi ngang hoặc có sự điều chỉnh khá nhẹ, một số khu vực như huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè tăng giá 7 - 8% so với quý 4 năm ngoái.
Trong khi đó, giá rao bán đất nền tại nhiều tỉnh phía Nam và ven biển miền Trung có xu hướng giảm. Cụ thể, đất nền Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đều giảm giá 6%, các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa giảm từ 2% - 11%. Bình Thuận là tỉnh ven biển hiếm hoi chứng kiến sự tăng giá rao bán đất nền lên đến 25% so với quý liền trước.
“Sở dĩ đất nền một số địa phương vẫn có xu hướng tăng giá rao bán là do kỳ vọng của người mua. Nếu đất ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt, hay cạnh khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng. Còn những loại đất đầu tư không có giá trị sử dụng cao, mua xong để đó thì giá sẽ giảm. Những tỉnh có lượng FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ổn định, ít khi sụt giảm sâu”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định.
Nói về kỳ vọng của thị trường đất nền trong thời gian tới, ông Quốc Anh dự báo trong năm 2023 sẽ không xảy ra sốt đất. Bởi vì thị trường bất động sản đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu biết lựa chọn những sản phẩm đất nền có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền trên chính sản phẩm đó như: có thể xây nhà trọ, nhà kho, công xưởng hoặc trở thành căn nhà thứ hai.
Đồng tình với quan điểm trên, DKRA Group nhìn nhận với tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, lãi suất vay ở mức cao, những vướng mắc pháp lý đang được tháo gỡ, thị trường sẽ khó có đột biến trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ đô thị hoá của Hà Nội khoảng 49% và TP. HCM khoảng 70%, cả nước có 8 tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hoá trên 50%. Như vậy, vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về đất đai luôn hiện hữu.
Nguồn: TBKTVN