Công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2023: Nhấn mạnh cơ chế hợp tác địa phương

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho rằng, ĐBSCL đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình ĐBSCL đã thấp hơn so với cả nước. Nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự suy giảm sức cầu cả trong và ngoài nước khiến tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng 2023 chỉ đạt 4,2% so với cùng kỳ. Hệ quả là dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 chỉ trên dưới 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra. Trong trung hạn, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng ổn định trong khoảng 6-7% trong giai đoạn 2024-2028.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo thường niên ĐBSCL năm 2023

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho biết: Cùng với cả nước, kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Đóng góp cho sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 là sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ với mức tăng trưởng năm 2022 đạt 11%. Đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trường ổn định so với giai đoạn trước.

ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Mức độ tụt hậu của ĐBSCL so với TP.HCM còn nghiêm trọng hơn. Nếu như vào năm 2000, GRDP của TP.HCM chỉ nhỉnh hơn vùng ĐBSCL một chút, thì đến nay, GRDP của ĐBSCL chỉ xấp xỉ 3/4 so với TP.HCM.

Sự tương phản giữa một quá khứ đầy triển vọng và hiện tại kém tươi sáng là ẩn ý đằng sau nhận xét “Đồng bằng đi trước về sau”. Quan trọng hơn, sự tương phản đó cho thấy ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này ra bên lề trên hành trình phát triển của đất nước.

Theo VCCI, Báo cáo chỉ ra ba vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó, tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của Vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022. Trong giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng trưởng đầu tư thực trung bình của Vùng đạt 5,2%, cần có các cơ chế chính sách và các giải pháp tháo gỡ kịp thời về cơ chế quản trị, điều phối và liên kết vùng thiếu hiệu lực và hiệu quả.

Đặc biệt, Báo cáo năm nay ra mắt trong bối cảnh các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương, đồng thời Vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt. Có như thế, ĐBSCL mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 13-NQ-TW đề ra.

Cùng ngày, Diễn đàn Chính sách “Phát triển Kinh tế ĐBSCL nhìn từ liên kết vùng và hợp tác giữa các địa phương” cũng được tổ chức, nhằm đánh giá về cơ chế triển khai quy hoạch vùng ĐBSCL và quản trị tài nguyên trước biến đổi khí hậu, đồng thời đánh giá liên kết vùng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế để các địa phương nhận diện chính sách phát triển và doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với bối cảnh thay đổi tại ĐBSCL.

Nguồn: Báo Đầu tư