Cuối quý 1, loạt siêu thị nỗ lực bình ổn giá, kích sức mua

Làm sao để kích cầu tiêu dùng, gia tăng mãi lực luôn là nỗi trăn trở của các doanh nghiệp bán lẻ. Thực tế, không ít doanh nghiệp, hệ thống siêu thị đã chủ động thực hiện nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá rất được lòng khách hàng. Điển hình, các siêu thị thuộc hệ thống MM Mega Market đang “bình ổn giá, chống lạm phát” cho các mặt hàng thiết yếu như hóa mỹ phẩm và thực phẩm khô, giá sỉ cho thực phẩm tươi sống. Nhóm sản phẩm thương hiệu riêng MM Mega như trà, trái cây sấy, gạo, dầu, mặt hàng tươi sống, quầy bánh tươi... áp dụng khuyến mãi lên đến 40 - 50%.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail, cho biết: “Chúng tôi tăng thêm lợi ích cho khách hàng khi mua sắm tại chuỗi siêu thị GO! Big C với trên 2.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm nay. Đây cũng là chiến lược của Tập toàn trong việc hiện thực hóa nỗ lực đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trong việc kiềm chế lạm phát. Chương trình đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, gia tăng lượng khách hàng đến mua sắm tại chuỗi cửa hàng của chúng tôi”.

Cụ thể, chương trình "trên 2.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm" được áp dụng với đa dạng mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây đến hàng tiêu dùng nhanh như gia vị, bánh kẹo, sữa, thực phẩm đông lạnh, sản phẩm chăm sóc cá nhân, sản phẩm giặt rửa… GO!, Big C cam kết có giá rẻ hơn thị trường trong bán kính 10km. Song song với đó, Central Retail duy trì chương trình “Chợ sớm giảm sung”, giúp khách hàng giảm thêm 10% đối với toàn bộ sản phẩm thực phẩm tươi sống từ lúc siêu thị mở cửa đến 10 giờ sáng hàng ngày.

Các siêu thị thuộc hệ thống MM Mega Market đang “bình ổn giá, chống lạm phát” cho các mặt hàng thiết yếu.

Các siêu thị thuộc hệ thống MM Mega Market đang “bình ổn giá, chống lạm phát” cho các mặt hàng thiết yếu.

Không thua kém, hệ thống siêu thị Co.opmart kích cầu "Tháng tiêu dùng xanh” trên toàn hệ thống bán lẻ gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile... trên cả nước. Theo đó, các siêu thị đồng loạt khuyến mãi giảm giá các mặt hàng thiết yếu, hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác môi trường, kích cầu cho những sản phẩm thân thiện và tiết kiệm năng lượng. Ngoài giảm giá sâu cho hàng loạt sản phẩm thực phẩm tươi sống, tiêu dùng..., hệ thống còn áp dụng ưu đãi cho nhiều sản phẩm trong gia đình như túi rác, túi đựng, ly, đĩa, chén...

Tương tự, thời điểm này, nhiều siêu thị điện máy cũng tổ chức chương trình giảm giá sản phẩm. tại siêu thị điện máy Media Mart triển khai chương trình giảm giá đến 50% cho các mặt hàng điện máy, công nghệ, gia dụng… Cụ thể, các mẫu TV đến từ các thương hiệu ư Samsung, Coex, Sony, LG,… sale sốc đến 50%, ngoài ra, khi mua hàng quý khách còn được tặng bộ quà trị giá 3,69 triệu đồng, phiếu mua hàng trị giá 10 triệu đồng. Với sản phẩm tủ lạnh, máy giặt, máy sấy…được giảm giá từ 12 - 44%, các mẫu máy tính xách tay giảm giá từ 24 - 39%...

Theo Sở Công thương TP.HCM, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu sức mua. Trong đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu được các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, BigC, GO!… giảm giá đậm, có nhiều mặt hàng giảm tới 60% - 80%.

Central Retail tăng thêm lợi ích cho khách hàng khi mua sắm tại chuỗi siêu thị GO! Big C với trên 2.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm nay.

Central Retail tăng thêm lợi ích cho khách hàng khi mua sắm tại chuỗi siêu thị GO! Big C với trên 2.000 sản phẩm rẻ hơn đến cuối năm nay.

Chính sự đồng hành, san sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng đã góp phần tăng tổng cầu nói chung, tạo doanh thu bán lẻ ấn tượng. Ước tính của Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm nay đạt gần 179.000 tỷ đồng, tăng 9,38% so với cùng kỳ 2023.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết ngày 1/4 này, Sở sẽ chính thức công bố Chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 và Tết Ất Tỵ 2025. Theo đó, nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục có giá tốt (các năm trước, giá hàng bình ổn thấp hơn giá bình quân thị trường cùng thời điểm từ 5% -10%), hỗ trợ người tiêu dùng yên tâm mua sắm. Thời gian tới, chương trình còn bám sát các giải pháp gồm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, đánh giá thị trường; tạo nguồn cung hàng hóa bền vững; quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại…

Thống kê từ Sở Công Thương TPHCM cũng cho thấy, hàng Việt hiện chiếm 90 - 95% tổng sản phẩm tại các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh... Tỷ lệ này tại một số hệ thống siêu thị của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, Mega Market... là 80 - 90%. Còn tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỉ lệ hàng Việt Nam từ 80% trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động thương mại hàng Việt trên thị trường vẫn đối diện nhiều thách thức như vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng…

Từ ngày 22 đến 24/3 vừa qua, đoàn công tác của Sở Công thương đã làm việc, khảo sát trực tiếp tại các nhà vườn tỉnh Lâm Đồng về việc cung ứng thực phẩm (rau, củ, quả…) an toàn cho người tiêu dùng TP.HCM. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, việc kiểm soát an toàn thực phẩm mới dừng lại ở lấy mẫu, xây dựng những chuỗi cung ứng nhưng hàng hóa vi phạm vẫn còn trên thị trường, chất lượng hàng hóa không bằng hàng xuất khẩu. Điều này dẫn đến chính quyền, bộ máy Nhà nước nỗ lực rất lớn (kiểm tra, giám sát…) nhưng kết quả nhận lại không tương xứng, hàng kém chất lượng vẫn “lọt lưới” để vào TP.HCM, do chế tài chưa đủ mạnh.

Hàng Việt hiện chiếm 90 - 95% tổng sản phẩm tại các hệ thống siêu thị.

Hàng Việt hiện chiếm 90 - 95% tổng sản phẩm tại các hệ thống siêu thị.

Từ định hướng của Sở Công Thương TP.HCM cũng như một số sở, ngành, 6 hệ thống thương mại gồm Saigonco.op, Satra, MM Mega Market, Central Retail, AEon Mall, Bách Hóa Xanh đã đưa ra các nguyên tắc quan trọng nhằm chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn sản phẩm không an toàn… Mới đây, hệ thống Vincommerce cũng đăng ký tham gia chương trình thí điểm tự nguyện này.

Kế hoạch kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối nhằm tạo sân chơi chung để các siêu thị bắt tay nhau nói không với sản phẩm không bảo đảm an toàn. Hàng hóa sẽ được chia sẻ giữa các hệ thống phân phối. Sản phẩm cam kết về chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được tất cả hệ thống phân phối đánh giá lại, có nguy cơ đánh mất hoàn toàn thị trường. Đồng thời, giúp giảm chi phí so với kiểm nghiệm riêng lẻ, chấm dứt tâm lý hạ chất lượng hàng hóa để giảm giá cả. Chuỗi cung ứng bền vững sẽ tạo "đòn bẩy" duy trì mức tăng trưởng thương mại hàng Việt cả trong và ngoài nước...

Nguồn: TBKTVN