Thức ăn chăn nuôi trong nước: Tiến tới tự chủ nguồn cung

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính, năm 2023 Việt Nam nhập khẩu khoảng 10,5 triệu tấn các loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, với trị giá 5,1 tỷ USD; trong khi đó, xuất khẩu chỉ đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Như vậy thâm hụt thương mại của ngành thức ăn chăn nuôi lên tới 3,9 tỷ USD trong năm 2023.

THÂM HỤT THƯƠNG MẠI LỚN

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thức ăn gia súc của cả nước đạt 1,11 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, riêng tháng 11/2023 đạt 98,53 triệu USD, giảm 16,3% so với tháng 10/2023 nhưng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu thức ăn gia súc trong 11 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, Trung Quốc – thị trường lớn nhất, đạt 539,75 triệu USD, tăng mạnh 32,9%, chiếm 48,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Campuchia – thị trường lớn thứ hai, đạt 155,55 triệu USD, tăng 0,9%, chiếm 14% trong tổng kim ngạch. Malaysia – thị trường lớn thứ ba, đạt 108,65 triệu USD, tăng 30,2%.

"Hiện cả nước có 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh với tổng công suất thiết kế đạt 43,2 triệu tấn. Trong đó, 90 nhà máy thuộc sở hữu của doanh nghiệp FDI (chiếm 33,5% về số lượng; 51,3% về công suất thiết kế) và 179 nhà máy thuộc doanh nghiệp trong nước (chiếm 66,5% về số lượng và 48,7% về công suất thiết kế)".

Theo Cục Chăn nuôi.

Đáng chú ý, xuất khẩu thức ăn gia súc sang thị trường có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đạt 915,67 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ, chiếm 82,4% trong tổng kim ngạch; thị trường có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 132,98 triệu USD, tăng 10,2%, chiếm 12%; thị trường Đông Nam Á đạt 329,99 triệu USD, tăng 2,5%, chiếm 29,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Từ chiều ngược lại, trong 11 tháng năm 2023, nhập khẩu nhóm các mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt trên 4,7 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ thị trường Argentina, chiếm 28,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp đến lần lượt là nhập khẩu từ các thị trường: Brazil chiếm tỷ trọng 17,9%; Hoa Kỳ chiếm 14%; Đông Nam Á chiếm 6%; EU chiếm 5,6%...

Trong giai đoạn 2018 - 2022, nước ta nhập khẩu từ 18,6 đến 22,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm; giá trị nhập khẩu dao động khoảng 6 - 8,9 tỷ USD (riêng năm 2021, 2022, giá trị nhập khẩu tăng mạnh chủ yếu do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao). Các nguyên liệu nhập khẩu chính gồm: ngô, khô dầu các loại, lúa mì, đạm động vật...

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành thức ăn chăn nuôi là năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho ngành còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Ước tính nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

NGUỒN CUNG NGUYÊN LIỆU TRONG NƯỚC THIẾU TRẦM TRỌNG

Về sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước, năm 2018 đạt 18,8 triệu tấn và tăng lên 20,8 triệu tấn trong năm 2022. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, cơ cấu sản lượng thức ăn chăn nuôi thay đổi theo xu hướng tăng dần tỷ trọng của các doanh nghiệp FDI (từ 59,8% năm 2018 lên 62,5% năm 2022) và giảm dần của các doanh nghiệp trong nước (từ 40,2% năm 2018 còn 37,5% trong năm 2022).

Năm 2023 cơ cấu sản lượng thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục thay đổi theo xu hướng trên, một phần do Tập đoàn Masan (sản lượng thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 6% tổng sản lượng cả nước) đã bán toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho Công ty DeHeus (Hà Lan).

Về tổng nhu cầu thức ăn tinh (ngô, khô dầu đậu tương, cám, bột cá...) của toàn ngành chăn nuôi khoảng 33 triệu tấn/năm, chủ yếu dùng cho chăn nuôi lợn và gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu này, nước ta cần số lượng rất lớn nguyên liệu thức ăn tinh, trong khi trong nước chỉ cung cấp được khoảng 35% tổng nhu cầu, tương đương 13 triệu tấn/năm, số còn lại từ nguồn nhập khẩu.

Việt Nam có lợi thế về sản xuất gạo (chiếm 8,4% sản lượng của thế giới), có khả năng thay thế một phần ngô làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, khi thay thế ngô bằng thóc, gạo, hiệu quả kinh tế đã giảm tới 33,2% do giá thóc, gạo cao hơn giá ngô. Năm 2023, giá thóc gạo tăng cao, giá thóc tẻ IR 504 lên tới 8.800 – 9.000 đồng/kg tại ruộng; lúa OM 380 8.600 - 8.800 đồng/kg tại ruộng (trong khi giá các loại thóc này những năm trước chỉ ở mức 5.000-6.000 đồng/kg), khiến việc sử dụng thóc gạo trong chăn nuôi không còn tính hiệu quả kinh tế. Ngay cả giá cám gạo cũng trở nên đắt đỏ đối với nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có một số sản phẩm, phụ phẩm từ quá trình chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm (mỡ cá, bột cá,...) làm thức ăn chăn nuôi nhưng số lượng không đáng kể. Đối với chất phụ gia và thức ăn bổ sung chính (vitamin, axit amin...), Việt Nam phải nhập khẩu tới 80% do nước ta không có công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ nhỏ không thu hút được đầu tư, mà chỉ sản xuất được một lượng nhỏ thức ăn bổ sung khoáng, chế phẩm vi sinh và thảo dược.

TĂNG NĂNG LỰC SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Nhằm giải quyết vấn đề cấp bách nêu trên, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030. Đề án nêu lên định hướng: “Phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”...

Nguồn: TBKTVN