Xuất khẩu sang thị trường lớn nhất khu vực Mỹ Latinh phải cạnh tranh khốc liệt

Theo số liệu của Tổng Cục hải quan Việt Nam, trong năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 7,11 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil đạt hơn 2,44 tỷ USD, tăng 9% và nhập khẩu từ Brazil đạt 4,67 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022.

3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Brazil đạt 2,2 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang nước này đạt 676 triệu USD, tăng 5,5% và Việt Nam nhập khẩu từ Brazil đạt 1,53 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023.

Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Brazil trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng ở một số mặt hàng, như: túi xách, vali (19,7%), phương tiện vận tải và phụ tùng (17%), sắt thép các loại tăng cao (107%), cao su tăng (74%), sản phẩm từ sắt thép (12,5%), điện thoại và linh kiện (7,5%)…

THÁCH THỨC ĐỊA LÝ XA, LOGISTICS HẠN CHẾ

Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết hiện nay, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Brazil tương đối tốt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ sản xuất và tái xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp hai nước hiện chủ yếu mới triển khai các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và thị trường trong nước cho cả hai bên. Hai bên chưa có các nhà đầu tư của nhau. Xu hướng hợp tác đầu tư tại hai nước là cần thiết nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường mỗi bên.

Đánh giá của Thương vụ, Brazil là thị trường rất lớn và rất tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Đây là thị trường không quá khắc khe, thị hiếu người dân rất đa dạng. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được tiếp nhận tại thị trường rất đông này.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn bởi khoảng cách địa lý xa xôi nên không dễ dàng vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang nước này. Các phương tiện vận chuyển lại chưa thuận lợi để kết nối người dân hai nước, cũng như logistics chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hai bên.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các đối thủ xuất khẩu có nhiều lợi thế hơn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội của Việt Nam còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong mở rộng thị trường, bảo vệ thị trường truyền thống.

Theo Thương vụ, doanh nghiệp có nhiều lo lắng do chi phí vận chuyển và logistics tăng, cùng với giá nguyên vật liệu tăng từ lúc đại dịch đến nay, điều đó đã tác động không tốt đến hoạt động xuất khẩu. Do vậy Chính phủ, bộ ngành và doanh nghiệp cần có giải pháp vượt qua những vấn đề nan giải này.

Ngoài ra, thị trường vẫn còn nhiều bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra, đến nay chưa giải quyết được. Đặc biệt tình hình chiến sự Ucraine và Nga, xung đột khu vực Trung Đông và biển Đỏ đã tác động tiêu cực cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng dây chuyền đến các hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Brazil.

ĐẨY MẠNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI

Để ổn định và bền vững trong xuất khẩu sang thị trường Brazil, Thương vụ Việt Nam tại Brazil  khuyến nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội cần đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh về giá.

Doanh nghiệp cần tăng cường hiện diện trực tiếp tại thị trường này. Phối hợp với Bộ Công Thương tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp, các chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến và hội nghị doanh nghiệp,… tại Brazil và các nước kiêm nhiệm, nhất là Peru, Bolivia. Kết nối trực tiếp, giới thiệu hàng hóa thực với khách hàng.

Kết hợp quảng bá các sản phẩm hàng hóa, đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông ở nước sở tại, các trung tâm thương mại, các nơi tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa, thương mại, đầu tư tại các bang, các thành phố lớn.

Hợp tác, kết nối với các hiệp hội, Liên đoàn các bang và các thành phố để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa hai bên.

Bên cạnh đó, cần cải thiện vấn đề logistics, giảm chi phí vận chuyển, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cạnh tranh thắng với các đối thủ xuất khẩu của Việt Nam.

Bộ Công Thương cần đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu. Vì những hạn chế của logistics ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng, làm giảm sức cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.

Mặt khác, đề xuất Chính phủ có chủ trương mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil nhằm tạo thuận lợi cho thúc đẩy thương mại, vì đây là cửa ngỏ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ.

Nguồn: TBKTVN