Quay lại

Xuất khẩu trước “sức ép” của phòng vệ thương mại

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước, khu vực có hiệu lực, nước ta đang trở thành nền kinh tế có độ mở cao và ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế.

Nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Trương Thùy Linh, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, một số nước như Hoa Kỳ còn sử dụng công cụ thứ 4 có tên “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại” nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của các mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để “né” thuế, khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.

SỐ LƯỢNG VỤ VIỆC GIA TĂNG

Trong giai đoạn 2001 – 2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Nhưng kể từ đó đến nay (ngày 30/9/2024), số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng thêm 209 vụ việc. Riêng 9 tháng năm 2024, Cục Phòng vệ Thương mại đã xử lý 15 vụ việc, đồng nghĩa với trung bình mỗi tháng xử lý 1,7 vụ việc.

Trong tổng số 259 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá (chiếm 55%), 38 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ. “Năm 2020, chúng tôi phải xử lý nhiều vụ việc phòng vệ thương mại nhất, với 39 vụ việc. Còn tính từ đầu năm 2024 tới nay, Cục đã và đang xử lý 15 vụ việc mới phát sinh”, bà Linh thông tin.

Đáng quan ngại, hàng hóa của Việt Nam thường bị điều tra kép, tức là cùng một mặt hàng, nhưng vừa bị điều tra chống trợ cấp, vừa vị điều tra chống bán phá giá. Riêng điều tra chống trợ cấp, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 5 vụ việc, mà Chính phủ là một bị đơn nên đòi hỏi phải trả lời rất nhiều câu hỏi.

Theo bà Linh, nguyên nhân là do Việt Nam tham gia khá nhiều các FTA và đã mang lại lợi thế cho xuất khẩu với kim ngạch tăng mạnh, song lại là đối thủ cạnh tranh của các mặt hàng tương tự được sản xuất trong nước đó. Đặc biệt, với xu thế bảo hộ hiện nay, các nước sẽ sử dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là khi các FTA đã làm giảm hàng rào thuế quan xuống, không còn là công cụ bảo vệ.

THỊ TRƯỜNG ĐIỀU TRA MỞ RỘNG VÀ XU HƯỚNG KHẮT KHE HƠN

Bên cạnh số lượng vụ việc ngày càng gia tăng, thị trường điều tra ngày càng mở rộng. Đến nay, đã có 25 nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa từ Việt Nam. Trong đó các nước sử dụng nhiều nhất là Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia, Canada, Ấn Độ… 

Ngoài việc hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra hàng hóa nước ta, thì số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng và một số quốc gia chưa từng điều tra hoặc ít điều tra nước ta, như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra Việt Nam. 

Cùng với đó, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời,… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như: máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập…

Xu hướng điều tra khắt khe hơn, xu thế điều tra kép đang tăng dần lên. Cơ quan điều tra nước ngoài ngày càng đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...). Có thể kể đến như trong vụ việc ghế bọc đệm, Cục Phòng vệ thương mại đã có thư đề nghị cơ quan điều tra Canada gia hạn thời gian trả lời. Tuy nhiên, cơ quan điều tra Canada không đồng ý. Ngoài ra, Canada cũng yêu cầu cung cấp thông tin cả những nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm ghế sofa. Hay như Philippines, cơ quan điều tra của nước này đề nghị hồ sơ các doanh nghiệp Việt Nam trước khi nộp sang Philippines phải được hợp pháp hóa lãnh sự từng trang.

Mặt khác, phạm vi điều tra ngày càng mở rộng hơn, bao gồm cả các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, áp dụng các biện pháp mới gây khó khăn cho hàng xuất khẩu Việt Nam như trợ cấp xuyên quốc gia, thị trường đặc biệt. Thị trường đặc biệt có nghĩa là họ coi môi trường sản xuất kinh doanh ở Việt Nam bóp méo đầu vào cho hàng xuất khẩu, không đúng với quy luật thị trường.

Đặc biệt, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường. Một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá, điều này làm cho thuế áp với Việt Nam tăng lên rất nhiều.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ áp dụng chủ yếu là chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh với ngành sản xuất trong nước của họ. Điều này dễ hiểu, bởi Hoa Kỳ hàng năm nhập siêu khoảng 1.000 tỷ USD, trong khi Việt Nam lại là một trong 3 quốc gia dẫn đầu thặng dự thương mại có xuất siêu sang Hoa Kỳ, sau Trung Quốc và Mexico...

Nguồn: TBKTVN