Chưa có quyết sách ưu đãi đầu tư FDI khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu

Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho rằng việc áp dụng đồng thời quy định cả Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với người nộp thuế theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu dẫn đến các doanh nghiệp sẽ phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định của nghị quyết.

Điều này tác động không nhỏ đến một số doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam như các công ty thuộc Tập đoàn LG, Công ty USI... Do đó, các doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch tài chính, lợi nhuận, thời gian hoàn vốn của dự án.

Bởi vậy, cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa theo hướng giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, hỗ trợ hạ tầng logistics, tiếp cận thị trường để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư.

Để tiếp tục hỗ trợ đối với các doanh nghiệp FDI hiện hữu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ Tài chính có các giải pháp về ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Từ đó, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư tốt hơn đối với các doanh nghiệp FDI có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng việc nghiên cứu thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và có biện pháp hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp là thách thức lớn trong xây dựng chính sách để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam “nâng cấp” các biện pháp hỗ trợ đầu tư thay vì tập trung chủ yếu vào ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như trước đây.

Trong văn bản phản hồi kiến nghị cử tri các tỉnh, thành, Bộ Tài chính cho biết ngày 29/11/2023, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.

Nhờ đó giúp ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Đồng thời, rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Sau đó, ngày 10/01/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 41/TTg-QHĐP về việc triển khai thực hiện Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị được giao chủ trì xây dựng trình Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị định và xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

"Căn cứ nội dung nghị định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Chính phủ ban hành, các cơ quan có liên quan, trong đó có Bộ Tài chính thực hiện theo đúng quy định, tạo điều kiện ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư và đảm bảo chính sách ưu đãi đầu tư của nhà nước", Bộ Tài chính nêu rõ.

Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết, Tổng cục Thuế được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Dự kiến trong tháng 8/2024, Tổng cục Thuế tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo nghị định và gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tháng 9/2024 sẽ nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ và ban hành nghị định trong tháng 10/2024.

Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng.

Tính toán sơ bộ dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng và số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT).

NGUỒN: TBKTVN