Xuất khẩu cà phê đem về hơn 3,6 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, nông sản Việt Nam đã không còn câu chuyện “được mùa mất giá” mà 6 tháng đầu năm nay sản xuất nông nghiệp cơ bản “được cả mùa” và “được cả giá”. Điều này thể hiện ở chỗ trong khi nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng thì đồng thời giá bán sản phẩm cũng ở mức cao. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024 chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp tăng 10,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2023, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hàng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%. 

Trong đó, cà phê cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu đem lại nguồn thu lớn cho Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7 xuất khẩu cà phê đã đem về hơn 381,1 triệu USD, tăng 18,2% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đã đem về hơn 3,6 tỉ USD, tăng hơn 33,5% so với cùng kỳ năm trước. 

 

Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu biến động không ngừng, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Từ những vấn đề về biến đổi khí hậu, đến những yêu cầu cao về chất lượng và tính minh bạch từ thị trường quốc tế. Chính những áp lực này đã buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là cơ hội sống còn.   

Chia sẻ với NCĐT, ông Bùi Thanh Tùng, CEO của TekNix Corporation, chia sẻ: “Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, việc nhận thức và sẵn sàng thay đổi là yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp. Để bắt kịp xu thế và giải quyết những thách thức hiện tại, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cải tiến liên tục là phương án giải quyết nhanh và triệt để nhất đảm bảo cho sự duy trì và tăng trưởng cho doanh nghiệp".  

Mới đây, Hiệp Hội Cà Phê Buôn Ma Thuột đã hợp tác cùng TekNix Corporation và Công ty Cổ phần K Bre, để đẩy mạnh hoạt động phát triển các giải pháp công nghệ cao trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và tham gia vào nghiên cứu chương trình tín chỉ carbon, giảm phát thải cho ngành cà phê tại Buôn Ma Thuột nói riêng mà còn mở rộng ra toàn ngành cà phê Việt Nam.  

 

Đồng thời, việc hợp tác với TekNix Corporation cũng giúp Hiệp Hội Cà Phê Buôn Ma Thuột theo dõi và quản lý chất lượng cũng như tích hợp công cụ chấm điểm tự động cho các cuộc thi cà phê trong khuôn khổ Hiệp hội tổ chức.  

Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho hay, quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu của chúng ta là chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy tốc độ của đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.  

Đằng sau là tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta coi chuyển đổi số, coi phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam là một nước đi sau để có thể bắt kịp, để có thể đi cùng với thời đại, với các nước.  

Nguồn: Nhipcaudautu