Tăng trưởng kinh tế đang phụ thuộc vào sức khỏe doanh nghiệp

Thận trọng… vì doanh nghiệp khó quá

“Không dễ cân đo việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm nay”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thừa nhận khi nhận được câu hỏi rằng, có quá thận trọng trong dự báo kinh tế mà VEPR vừa công bố.

Theo nhóm nghiên cứu, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể ở mức cận dưới của mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội giao trong năm 2024, nghĩa là khoảng 6%. Thậm chí, mức này được cho  có thể còn thấp hơn, chỉ đạt khoảng 5,5% như trong dự báo mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cập nhật với kinh tế Việt Nam vào cuối tháng 4 vừa qua, nếu các yếu tố bất lợi bên ngoài gia tăng, bao gồm các yếu tố địa chính trị, thời tiết.

Đáng nói là, sự thận trọng nêu trên còn thể hiện rất rõ trong các giải pháp chính sách mà VEPR đang kiến nghị.

Thực ra, 5 nhóm giải pháp mà VEPR kiến nghị không có gì mới, từ tăng cường giải ngân ngân đầu tư công đúng tiến độ và tập trung vào các lĩnh vực tạo lan tỏa, hay ưu tiên chính sách tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp... Nhưng các chuyên gia của VEPR nhìn nhận, những động lực tăng trưởng khả quan trong các tháng đầu năm 2024, gồm cả sự gia tăng xuất khẩu, sự sôi động của dòng vốn đầu tư nước ngoài…, cần phải đặt trong bối cảnh là nền tăng trưởng thấp của năm ngoái và sự thiếu ổn định của bối cảnh quốc tế và trong nước kéo dài.

Đặc biệt, các thông tin về số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn rất lớn, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) và Chỉ số Sản xuất công nghiệp đều chưa phục hồi được như giai đoạn 2021-2022, tiêu dùng nội địa giảm mạnh. Đó là những yếu tố đang được bôi đậm trong danh sách các thách thức lớn của đà phục hồi kinh tế trong những tháng tới.

“Hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều phụ thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp yếu kém, ‘li ti’ đi, thì việc thực hiện nhiều chỉ tiêu kinh tế sẽ bị ảnh hưởng”, TS. Nguyễn Quốc Việt chia sẻ quan điểm.

Giải pháp “lòng tin”

“Chúng tôi đề xuất nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, song có lẽ giải pháp cần bàn hơn cả tại tuần đầu tiên của kỳ họp Quốc hội lần này là làm sao để tăng lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào kỳ vọng tăng trưởng”, TS. Việt trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về gửi gắm của ông tới các đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ quan điểm này, ông Việt nhắc đến sự sụt giảm rất mạnh về tốc độ tăng trưởng lẫn đóng góp chung vào tăng trưởng GDP của cầu tiêu dùng nội địa, cả từ khu vực doanh nghiệp và dân cư. Đây là yếu tố đã được nhìn nhận là bệ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, đang là yếu tố góp phần vào tăng trưởng của nhiều quốc gia trong khu vực. Trong nhiều lý do, thì sự chưa rõ ràng trong kỳ vọng tương lai đang được nhắc đến nhiều.

“Nếu người dân không nhìn nhận rõ kỳ vọng về việc làm, thu nhập, họ sẽ không sẵn sàng tăng tiêu dùng. Tương tự, doanh nghiệp không sẵn sàng bỏ vốn nếu kỳ vọng về môi trường đầu tư chưa tốt lên”, TS. Việt giải thích.

Vì lý do này mà trong báo cáo của VEPR, tăng trưởng tín dụng quý I/2024 được gọi là “đông cứng” vì thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Đây cũng là vấn đề mà TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đang đặt ra, dù các dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2024 của ông và cộng sự ở mức khả quan hơn, sẽ trong khoảng 6-6,5% như mục tiêu Quốc hội giao. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng khá thấp trong các tháng đầu năm, TS. Lực nhắc tới nguyên nhân từ sự không mặn mà của người dân với vay tiêu dùng, cũng như khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp (dù lãi suất tốt hơn rất nhiều, nhưng sức khỏe yếu, bên cho vay thận trọng khi nợ xấu tăng lên).

Hơn thế, TS. Lực tính toán, cung tiền năm nay tăng hơn, nhưng vòng quay tiền vẫn thấp, dưới 1 vòng. Trong những năm trước dịch bệnh, vòng quay tiền đạt khoảng 2 vòng mỗi năm, nhưng trong năm 2023, chỉ tiêu này chỉ đạt 0,64 vòng/năm.

“Đây là các yếu tố cần lưu ý khi hoạch định chính sách. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Quốc hội cần tăng cường vai trò giám sát để đảm bảo các chính sách đã ban hành được thực hiện hiệu quả. Vừa qua, một số chính sách được Quốc hội thông qua, nhưng thực thi không được tốt lắm, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, doanh nghiệp”, TS. Lực nhận định.

Đặc biệt, TS. Lực khuyến nghị, các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế vẫn có dư địa tốt, vì ổn định kinh tế vĩ mô đang được kiểm tốt. “Không nên quá lo ngại áp lực lạm phát mà hạn chế tăng cung tiền, kích thích nền kinh tế, kích thích doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng”, TS. Lực nói.

Nguồn: Báo Đầu tư