Thúc đẩy đưa nông sản Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc

Để thúc đẩy đưa nông sản Việt Nam ra thế giới, các doanh nghiệp đã nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn cho những thị trường khó tính, trong đó có việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn sản phẩm tới khâu đóng gói.

Nắm bắt được những thay đổi bắt buộc về quy cách, tiêu chuẩn, chất lượng hàng nông sản khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Trần Văn Út, Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy sản có trụ sở tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động lên kế hoạch thu mua thuỷ sản, vận chuyển, sơ chế và đóng gói... đáp ứng yêu cầu của khách hàng. 

Theo ông Trần Văn Út, việc thực hiện các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm không làm khó các doanh nghiệp, mà còn mở ra nhiều cơ hội mới giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều thị trường hơn, qua đó đơn vị có doanh thu khoảng 160 tỷ đồng trong năm 2023, cao gấp đôi so với năm trước.

 

  • thuc day dua nong san viet nam xuat khau vao trung quoc hinh anh 1

Thủy hải sản ướp đá, động vật thủy sinh dùng làm thực phẩm và một số loại giống cây trồng vừa được Trung Quốc đồng ý làm thủ tục thông quan qua cầu Bắc Luân II, thuộc cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc)

Ông Út chia sẻ: "Hiện tại, chúng tôi có 3 sản phẩm đang xuất khẩu độc quyền như ngao trắng Bến Tre, ngao hoa, ngao giấy. Chúng tôi đang hợp tác với những đối tác Trung Quốc họ đang được phép nhập khẩu độc quyền ở Trung Quốc vì tiêu chuẩn cơ sở của họ đủ điều kiện để các cơ quan chức năng cấp phép và đáng nói là câu chuyện họ đi trước đón đầu, mở ra cơ hội để chúng tôi có sản phẩm xuất khẩu nhiều hơn, doanh thu cao lên".

Khi mới triển khai các quy định quốc tế về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp không ít khó khăn từ quy hoạch vùng trồng, thực hiện các tiêu chuẩn trong đảm bảo chất lượng thực phẩm tới diện tích nhà xưởng... Vậy nhưng gần 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã đầu tư lại hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics, bảo quản hàng hóa theo chuỗi từ vùng nguyên liệu tới các kho hàng, bến bãi. Vượt qua những khó khăn ban đầu, các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã dần thực hành các tiêu chuẩn mới trong nuôi trồng hướng tới mục tiêu cao nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Ông Lâm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho biết: "Hội nông dân cũng chủ động rà soát, tuyên truyền cho bà con tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu để đảm bảo mặt hàng có thể xuất khẩu sang thị trường các nước. Dù còn nhiều cảnh báo nhưng chính quyền địa phương, hội nông dân và bà con cũng đã có những chủ động sản xuất, kinh doanh an toàn đảm bảo vệ sinh thực phẩm và theo hướng hữu cơ".

thuc day dua nong san viet nam xuat khau vao trung quoc hinh anh 2

Hàng nông sản được đóng gói theo quy cách, đảm bảo tiêu chuẩn khi xuất khẩu

Trung Quốc là thị trường lớn trong việc nhập khẩu các sản phẩm nông lâm, thuỷ sản Việt Nam. Trong năm 2022, thương mại nông lâm thuỷ sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 14,2 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu chiếm phần lớn đạt giá trị 10,4 tỷ. Riêng 11 tháng đầu năm 2023, thương mại nông lâm thủy sản giữa 2 nước ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ.

Theo ông Quan Huệ Văn, Giám đốc công ty TNHH Logistics Đức Vũ, thành phố Đông Hưng, Trung Quốc, tiềm năng dù rất lớn nhưng nông thủy sản Việt Nam hiện vẫn chưa thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, chưa kết nối với các Tập đoàn lớn, các kênh phân phối hiện đại hay trên mạng lưới bán hàng điện tử, trực tuyến, siêu thị lớn của Trung Quốc.

"Thị trường của chúng tôi còn rất nhiều dư địa. Chúng tôi quan tâm nhiều đến các vùng nuôi, các vùng khai thác có sản phẩm đạt chất lượng tốt. Đặc biệt bao bì mẫu mã cần phải đẹp với nhãn dán truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn và các quy định thì xuất khẩu bao nhiêu chúng tôi cũng sẽ tiếp nhận" - ông Văn cho biết.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, có phương án kinh doanh hiệu quả, thích ứng theo xu thế phát triển chung.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) cho biết sẽ tiếp tục cùng Bộ Công thương, Bộ Y tế đồng hành với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để có thêm nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu.

Theo ông Hòa: "Sau 30/6/2023, các doanh nghiệp cơ bản đã tiến hành đăng ký cũng như có được hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý để cập nhật hồ sơ trên cổng thông tin điện tử của Hải quan Trung Quốc. Trong thời gian tới, Văn phòng SPS sẽ tiếp tục phối hợp với Hải quan Trung Quốc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cập nhật hồ sơ, nếu còn vướng mắc gì sẽ phối hợp để giải quyết".

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới, với sản phẩm chất lượng, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng miền. Mới đây, 3 loại hàng là thủy hải sản ướp đá, động vật thủy sinh dùng làm thực phẩm và một số loại giống cây trồng vừa được phía Trung Quốc đồng ý làm thủ tục thông quan qua cầu Bắc Luân II, thuộc cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). Việc này mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường và thúc đẩy đưa nông sản vào thị trường Trung Quốc cũng như các nước khác trên thế giới.

Nguồn: VOV